Bản tin xăng dầu đầu tuần ngày 27/05/2024

Bản tin ngày 25/05/2024:

Giá đã giảm bốn phiên liên tiếp trong tuần trước, chuỗi giảm dài nhất kể từ ngày 2 tháng 1 do những lo ngại về việc Fed sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất cao sau những phát biểu của các quan chức thuộc tổ chức này trong phiên họp tuần trước.

Tóm tắt diễn biến tin tức dầu thô tuần trước (từ ngày 20/05 đến hết ngày 27/05):

Giá dầu Brent giảm 2,1% so với khi kết thúc tuần trước. WTI giảm 2,8% trong tuần.

Chỉ số hàng tồn kho của Mỹ

Báo cáo từ cả API và EIA đều cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tăng trong tuần trước đó trong khi mùa lái xe đang đến gần. Cụ thể, dữ liệu từ API cho thấy tồn kho dầu thô và sản phẩm của nước này tăng 2,48 triệu, tồn kho xăng tăng 2,1 triệu thùng và sản phẩm chưng cất giarm 320.000 thùng.

Trong khi đó, dữ liệu từ EIA cho thấy tồn kho dầu của Mỹ đã tăng 1,8 triệu thùng vào tuần trước đó, trái ngược với dự đoán giảm 2,4 triệu thùng. Tồn kho xăng giảm khoảng 945.000 thùng, tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 379.000 thùng.

Cuộc họp chính sách của Fed

Biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed được công bố tuần trước cho thấy các nhà hoạch định chính sách lo lắng rằng mục tiêu đưa lạm phát trở về con số 2% của họ sẽ chưa thể đạt được trong thời gian gần. Một số thành viên của Fed còn phát biểu sẵn sàng tăng lãi suất một lần nữa nếu lạm phát tiếp tục tăng cao.

Tuy nhiên, chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, cùng các nhà hoạch định chính sách khác cho biết sẽ khó có khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa. Việc lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí vay và tăng giá trị đồng USD, từ đó làm giảm nhu cầu và giá của dầu thô.

Những phát biểu của quan chức Fed cho thấy dường như tổ chức này vẫn sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất cao trong thời gian tới.

Chỉ số kinh tế Mỹ

Trong tuần trước, chỉ số PMI đầu ra tổng hợp của Mỹ tăng mạnh từ 51,3 trong tháng 4 lên 54,4 trong tháng 5. Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng tốc độ lạm phát của Mỹ đang tăng nhanh, ghi nhận mức tăng hàng tháng lớn thứ hai trong 8 tháng qua.

Việc PMI tăng cho thấy nền kinh tế Mỹ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, làm gia tăng lạm phát, khiến đồng USD tăng giá và gây áp lực lên giá dầu.

Cuộc họp của OPEC+ sắp tới

Các nhà đầu tư hiện đang mong chờ cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+), dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6.

Trọng tâm sẽ chủ yếu tập trung vào việc liệu tổ chức này có gia hạn mức cắt giảm sản lượng tự nguyện tổng cộng khoảng 2,2 triệu thùng mỗi ngày sau thời hạn cuối tháng 6 hay không.

Kết hợp với việc cắt giảm sản lượng 3,66 triệu thùng/ngày khác có hiệu lực đến cuối năm nay, mức cắt giảm sản lượng tương đương với gần 6% nhu cầu dầu toàn cầu.

Kinh tế Châu Âu

Nền kinh tế Châu Âu phát đi những dấu hiệu tích cực hơn. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng bà “thực sự tin tưởng” rằng lạm phát khu vực đồng euro đang được kiểm soát. ECB gần như đã hứa sẽ cắt giảm lãi suất vào ngày 6 tháng 6. Việc EU cắt giảm lãi suất có thể sẽ làm tăng nhu cầu về nhiên liệu của khu vực này, từ đó thúc đẩy giá dầu.

Bất ổn chính trị tại 2 quốc gia có lượng xuất khẩu dầu lớn

Tuần trước, tổng thống Ebrahim Raisi và Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian của Iran đã thiệt mạng sau khi trực thăng chở họ bị rơi vào ngày trước đó ở tỉnh Đông Azerbaijan, Iran.

Trong khi đó thái tử của Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman đã hoãn chuyến thăm Nhật Bản do tình trạng sức khỏe của quốc vương Salman.

Thị trường dầu mỏ dường như không bị ảnh hưởng bởi hai tin tức này. Chính sách dầu mỏ của Iran sẽ không bị ảnh hưởng bởi cái chết đột ngột của tổng thống vì Lãnh đạo Tối cao Ayatollah Ali Khamenei nắm quyền lực tối thượng với tiếng nói cuối cùng về mọi vấn đề nhà nước. Tại Ả Rập Saudi, thị trường đã quen với sự lãnh đạo của Thái tử Mohammed bin Salman trong lĩnh vực năng lượng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *