Bản tin xăng dầu ngày 25/05/2024
Giá tăng khoảng 1% sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, nhưng giảm so với tuần trước do lo ngại của những nhà đầu tư về việc Fed sẽ tiếp tục giữ mức lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
Giá dầu Brent giảm 2,1% so với khi kết thúc tuần trước. Giá đã giảm bốn phiên liên tiếp trong tuần này, chuỗi giảm dài nhất kể từ ngày 2 tháng 1. WTI giảm 2,8% trong tuần.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/05/2024, giá dầu Brent và WTI đều tăng so với khi kết thúc phiên giao dịch ngày 23/05/2024. Cụ thể, giá dầu Brent tăng từ 81,36 USD/thùng lên 82,12 USD/thùng, tương đương 0,7%. Trong khi đó, dầu WTI của Mỹ tăng 0,85 USD, tương đương 1,1%, lên mức 77,72 USD/thùng.
Giá dầu giảm do lo ngại về lãi suất
Cả dầu Brent và WTI đều giảm khoảng 4% trong tuần này, trong đó dầu Brent đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng gần đây và WTI giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng. Áp lực chủ yếu đến từ những lo ngại về lạm phát.
Biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed được công bố vào thứ Tư cho thấy các nhà hoạch định chính sách lo lắng rằng mục tiêu đưa lạm phát trở về con số 2% của họ sẽ chưa thể đạt được trong thời gian gần. Một số thành viên của Fed còn phát biểu sẵn sàng tăng lãi suất một lần nữa nếu lạm phát tiếp tục tăng cao.
Tuy nhiên, chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, cùng các nhà hoạch định chính sách khác cho biết sẽ khó có khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa. Việc lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí vay và tăng giá trị đồng USD, từ đó làm giảm nhu cầu và giá của dầu thô.
Giàn khoan dầu của Mỹ vẫn giữ nguyên trong tuần trước
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes hôm thứ Sáu đã đưa ra báo cáo về số giàn khoan hàng tuần của Mỹ, cho thấy số liệu không đổi ở mức 497. Hoạt động của các giàn khoan đang tạm lắng xuống không ảnh hưởng nhiều tới sản lượng của Mỹ, vốn đang ở mức cao kỷ lục 13,1 triệu thùng/ngày. Con số này cao hơn mức trung bình 12,936 triệu thùng/ngày vào năm ngoái.
Thị trường đang hướng về cuộc họp của OPEC+
Các nhà đầu tư hiện đang mong chờ cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+), dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6.
Trọng tâm sẽ chủ yếu tập trung vào việc liệu tổ chức này có gia hạn mức cắt giảm sản lượng tự nguyện tổng cộng khoảng 2,2 triệu thùng mỗi ngày sau thời hạn cuối tháng 6 hay không.
Đợt cắt giảm tự nguyện này của các nhà sản xuất lớn sẽ đi cùng với giảm 3,66 triệu thùng mỗi ngày trước đó đã được công bố kể từ cuối năm 2022 và có hiệu lực cho đến cuối năm 2024.
Do đó, tổng sản lượng cam kết cắt giảm hiện tại lên tới 5,86 triệu thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu hằng ngày của thế giới.
Căng thẳng giảm bớt tại Trung Đông hiện nay cho thấy nguồn cung tại khu vực này sẽ ít bị gián đoạn, trong khi nhu cầu của Mỹ dự kiến sẽ tăng trong những tuần tới do người dân sẽ đi lại nhiều vào mùa hè. Kỳ nghỉ Ngày Tưởng niệm thường đánh dấu sự khởi đầu của việc nhu cầu nhiên liệu từ người dân Mỹ tăng lên.