Amos Global đang chờ giấy phép của Hoa Kỳ để hoàn thành dự án tại Venezuela
Quỹ đầu tư Amos Global Energy có trụ sở tại Houston đang chờ giấy phép từ Bộ Tài chính Hoa Kỳ để hoàn tất việc mua cổ phần của Sinopec Trung Quốc trong một dự án dầu khí nước nông ở Venezuela.
Washington vào tháng trước đã không gia hạn giấy phép cho phép Venezuela tự do xuất khẩu dầu và nhận đầu tư mới sau khi Venezuela không đáp ứng được hiệp ước về một cuộc bầu cử cạnh tranh. Thay vào đó, Hoa Kỳ đã bắt đầu cấp giấy phép cá nhân cho các công ty muốn tiếp tục hoặc bắt đầu hoạt động tại quốc gia Nam Mỹ này.
Gần đây, Hoa Kỳ đã cấp cho Maurel & Prom của Pháp và Repsol của Tây Ban Nha để tiếp tục và mở rộng các dự án dầu khí ở Venezuela. Hơn 20 doanh nghiệp khác đang chờ để được cấp phép.
Các công ty kinh doanh trong ngành năng lượng thuộc Venezuela cần có giấy phép cho các giao dịch cụ thể.
Amos, vào năm 2022 đã thành lập liên doanh với một đơn vị của công ty kỹ thuật Inelectra của Venezuela để tiếp cận các dự án Petroguiria và Petroparia ở khu vực Vịnh Paria của Venezuela. Ali Moshiri, giám đốc điều hành của Amos, cho biết nếu đề xuất mua 32% cổ phần của Sinopec tại Petroparia được Mỹ thông qua, Amos và các đối tác sẽ kiểm soát 40% dự án đó và 16% của Petroguiria.
Moshiri nói rằng: “Chúng tôi đã nộp đơn xin giấy phép cách đây một năm rưỡi và chúng tôi hy vọng sẽ nhận được giấy phép trong những tuần tới”.
Amos ban đầu đã liên hệ với Eni của Ý để đàm phán khả năng tham gia vào dự án thứ ba ở Paria, Petrosucre. Petrosucre là dự án hoạt động duy nhất ở Paria, nhưng sản lượng dầu thô ở đó đã giảm xuống dưới 3.000 thùng/ngày (bpd) kể từ khi các lệnh trừng phạt của Mỹ vào năm 2019 đã đóng băng hoạt động xuất khẩu của liên doanh sang Mỹ.
Venezuela có trữ lượng khí đốt khoảng 30 nghìn tỷ feet khối, phần lớn vẫn chưa được phát triển do thiếu đầu tư và gần đây là các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Moshiri cho biết: “Chiến lược của đất nước đã chuyển sang tập trung vào khả năng xử lý khí đốt tại các cơ sở LNG của Trinidad và Tobago, nhưng Venezuela có đủ khí đốt để phát triển LNG”.