Nhập nhiên liệu tăng chóng mặt, vượt mức 12 tỷ USD dù mới hết 5 tháng đầu năm
5 tháng đầu năm 2024, tốc độ nhập khẩu các mặt hàng nhiên liệu phục vụ sản xuất tăng mạnh, trong đó nhập than đá, dầu thô và xăng dầu, khí đốt hóa lỏng đã lên tới hơn 12 tỷ USD, tăng mạnh nhất là than đá 32,1%.
Tốc độ nhập khẩu nhóm hàng nhiên liệu, bao gồm than đá, dầu thô, xăng dầu các loại và khí đốt hóa lỏng trong 5 tháng đầu năm 2024 tiếp tục phi mã.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chi ngoại tệ nhập khẩu nhóm hàng này phục vụ các ngành sản xuất và tiêu dùng đã vượt 12 tỷ USD, trong đó, tăng mạnh nhất là mặt hàng than đá, dầu thô.
Cụ thể, 5 tháng qua, Việt Nam nhập 27 triệu tấn than đá, trị giá 3,54 tỷ USD, tăng lần lượt 60% và 32,1% so với cùng kỳ.
Nhập dầu thô hơn 5,8 triệu tấn, trị giá 3,7 tỷ USD, tăng 17,5% và 20,1%; nhập xăng dầu 4,8 triệu tấn, trị giá 3,93 tỷ USD, tăng 15,1% và 15,5% so với cùng kỳ.
Nhâp khí đốt hóa lòng đạt 1,4 triệu tấn, trị giá 895 triệu USD, tăng 37,7% về lượng và tăng 31,8% về trị giá.
Nhóm hàng nhiên liệu mà nước ta nhập trong cả năm 2023 lên tới 74,92 triệu tấn, đạt trị giá 24,2 tỷ USD. Mức chi nhập đã giảm 29,6% về lượng và giảm 4,7% về trị giá so với năm 2022.
Trong đó, lượng nhập khẩu của than các loại là 51,16 triệu tấn, tăng 61,4% dầu thô là 11,19 triệu tấn, tăng 9,7%,; xăng dầu các loại là 10,05 triệu tấn tăng 13,3%; khí đốt hóa lỏng là 2,52 triệu tấn, tăng 27,9%.
Lượng nhập khẩu nhiên liệu vào Việt Nam trong năm 2023 chủ yếu từ các quốc gia: Australia đạt 19,9 triệu tấn, tăng 17,6%; Indonesia là 19,35 triệu tấn, tăng 86,3%, Nga đạt 4,37 triệu tấn, tăng 93% so với năm 2022.
Nhu cầu về các loại nhiên liệu phục vụ sản xuất, tăng trưởng kinh tế dự báo tiếp tục tăng. Bộ Công thương tính toán, trong giai đoạn 2025 – 2030, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu than lớn, khoảng 60 – 100 triệu tấn/năm.
Đối với xăng dầu, riêng năm 2024, Bộ này cân đối nguồn cung, cơ cấu xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng tối thiểu tổng cộng gần 28,42 triệu m3/tấn các loại.
Ngoài ra, hàng năm, nước ta có nhu cầu nhập một lượng lớn dầu thô làm nguyên liệu để phục vụ sản xuất xăng dầu tại 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn.
Đối với khí đốt hóa lỏng, chi nhập khẩu tăng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu dân sinh như sưởi ấm, nấu ăn, công nghiệp, sử dụng trong xe cộ, chất làm lạnh…
Hiện nguồn cung gas nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Do đó, giá bán lẻ gas trong nước bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá gas thế giới.
Nhu cầu tiêu dùng khí đốt hóa lỏng ngày càng lớn, trong khi nguồn cung tại chỗ chưa theo kịp, nhập khẩu khí đốt hóa lỏng tiếp tục là giải pháp để bù đắp lượng thiếu hụt trong những năm tới.
Nguồn: Copy