Đơn vị phân phối xăng dầu gửi kiến nghị lên Uỷ ban thường vụ Quốc hội

Đơn vị phân phối xăng dầu gửi kiến nghị lên Uỷ ban thường vụ Quốc hội

Mới đây, tập thể thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu đã gửi văn bản kiến nghị tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương xây dựng. Lý do gửi bản kiến nghị vì Dự thảo Nghị định trái với nhiều luật hiện hành và không phù hợp về bối cảnh mới của sự vận hành thị trường xăng dầu.

Các doanh nghiệp tham gia lên tiếng về của Dự thảo

Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu (gọi tắt là Dự thảo) hướng tới hoàn thiện pháp luật về quản lý kinh doanh xăng dầu với các mục tiêu như: Bảo đảm an ninh năng lượng và nhiên liệu; Tạo điều kiện cho phát triển cộng đồng doanh nghiệp trong nước; Bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp và nhiều chuyên gia đánh giá dự thảo không những không đạt được những mục tiêu này mà còn khiến cho các thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của thị trường.

Để bảo đảm nguồn cung cho thị trường, cơ quan chức năng cần tập trung xây dựng chuỗi cung ứng từ đầu vào quốc tế đến khâu phân phối ở trong nước được bảo đảm bởi cộng đồng doanh nghiệp nội địa lớn mạnh và thông qua mạng lưới phân phối từ nhập khẩu đến bán lẻ. Trong khi đó cơ chế quản lý vừa qua và quy định của Dự thảo vẫn tiếp tục duy trì tình trạng lấn át và chèn ép ngày càng tăng của các doanh nghiệp lớn đang thống lĩnh thị trường, đẩy nhiều doanh nghiệp phân phối và bán lẻ xăng dầu đến nguy cơ phá sản. Với cơ chế vận hành như vậy, Dự thảo Nghị định không tạo điều kiện cho cạnh tranh minh bạch và công bằng, kết hợp với việc quỹ bình ổn giá không phát huy hiệu quả, dẫn đến người tiêu dùng không thể hưởng lợi từ giá cả cạnh tranh và chất lượng xăng dầu đạt chuẩn.

Ngoài ra, Dự thảo không phù hợp với nhiều quy định của các luật hiện hành. Trừ khi nâng cấp lên luật, một nghị định về cơ bản chỉ được quy định chi tiết thi hành hay biện pháp tổ chức thực hiện các văn bản luật hoặc pháp lệnh hiện hành. Các nội dung của Dự thảo Nghị định đang liên quan đến khoảng 15 luật khác nhau, tức điều chỉnh các vấn đề đã có luật quy định.

Theo Luật Đầu tư 2020, Bộ Công Thương chỉ có thẩm quyền trình Chính phủ ban hành một Nghị định về các điều kiện kinh doanh xăng dầu, là mặt hàng thuộc Danh mục ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện được Quốc hội ban hành. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định không chỉ quy định về các điều kiện kinh doanh xăng dầu mà còn toàn bộ các quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ chế quản lý, can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp và thị trường của các Cơ quan quản lý nhà nước mà không chỉ dẫn ra các căn cứ cụ thể từ các điều luật có liên quan.

Điều 7 Luật Đầu tư quy định việc đặt ra các điều kiện cho ngành, nghề kinh doanh nhất định chỉ cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khoẻ cộng đồng. Dự thảo có nhiều quy định về điều kiện kinh doanh bắt buộc hoàn toàn mang tính chất thương mại thuộc phạm vi quyết định của doanh nghiệp và thị trường. Các điều kiện đó không cần thiết và không phù hợp với quy định trên của Luật Đầu tư. Nhiều quy định trong dự thảo cũng trái với Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Luật Giá và Luật Dự trữ quốc gia.

Với những lý do trên, tập thể thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu đưa ra các kiến nghị để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp, người tiêu dùng

Nhà nước cần xây dựng mô hình và cơ chế quản lý, vận hành mới có tính cải cách đột phá đối với thị trường xăng dầu. Trong đó, đảm bảo tự do hoá, không phân loại, phân biệt đối xử; tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh của các doanh nghiệp trong việc lựa chọn hình thức tổ chức, địa bàn, quy mô, đối tác kinh doanh và hình thức cung ứng dịch vụ trên cơ sở luật định. Nhà nước áp dụng thử nghiệm cơ chế đấu thầu, đấu giá qua sàn kinh doanh xăng dầu để người tiêu dùng được hưởng lợi từ giá cả cạnh tranh và chất lượng tốt nhất. Nhà nước thực hiện chức năng giám sát cạnh tranh và chỉ điều tiết, can thiệp vào thị trường khi có biến động lớn liên quan đến an ninh chính trị – kinh tế. Khi can thiệp, Nhà nước nên sử dụng linh hoạt nhiều công cụ điều tiết khác nhau như công cụ thuế, hỗ trợ lãi suất tín dụng thay cho chỉ sử dụng quỹ bình ổn giá như hiện nay.

Thứ hai, nếu coi kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực đặc thù và đặc biệt cả về tầm chính sách và pháp luật thì nên tạm dừng việc soạn thảo Nghị định để đề xuất Quốc hội cho xây dựng luật thay cho Nghị định. Nếu tiếp tục xây dựng và ban hành Nghị định thì cần bảo đảm tuân thủ các luật hiện hành, theo đó chỉ quy định duy nhất về điều kiện kinh doanh xăng dầu phù hợp với Luật Đầu tư 2020, tránh quy định có tính mở rộng và lấn sân như hiện nay, qua đó gây ra sự không phù hợp và chồng chéo về các chế định, làm giảm hiệu lực và hiệu quả của quá trình thực thi pháp luật cũng như hạn chế và gây khó khăn cho kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ xăng dầu.

Tại Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14/5, nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã lên tiếng về những bất cập trong Dự thảo lần này.

Ông Nguyễn Hữu Thập – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho rằng dự thảo Nghị định cho phép thương nhân đầu mối có quyền “Được mua bán xăng dầu, nguyên liệu với các thương nhân đầu mối khác” nhưng lại không cho thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau là phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp. Bà Trần Thị Thuỳ Trâm – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đoan Việt, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị cần quy định rõ trong văn bản hướng dẫn việc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn.

Chuyên gia kinh tế, PGS, TS Ngô Trí Long nhận định trong thực tế có những lúc Quỹ hoạt động thiếu minh bạch, tạo ra kẽ hở cho một số doanh nghiệp chiếm dụng vốn, sinh ra nhiều tiêu cực trong quản lý tài chính, gây bất ổn thị trường…

“Do đó, về lâu dài, nhà nước cần nghiên cứu xóa bỏ Quỹ này để thị trường xăng dầu trong nước vận hành theo cơ chế thị trường và tiệm cận dần với giá xăng dầu trên thị trường thế giới”, PGS.TS Ngô Trí Long đề xuất.

Ông Phạm Ngọc Hùng – nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng, Dự thảo này mang tư duy quản lý theo kiểu bao cấp, lạc hậu. Lượng tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam hiện khoảng 27 triệu tấn/năm, hoàn toàn đủ khả năng để lập sàn và lấy giá sàn này làm cơ sở tính giá. Bởi vậy, ông Phạm Ngọc Hùng đề xuất giải pháp lập sàn kinh doanh xăng dầu với sự tham gia của cả các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Đa phần các TNPP đều mong muốn được giữ nguyên quyền tự do mua xdau từ TNĐM bao gồm cả 2 đầu mối sản xuất là Cty lọc hoá dầu Nghi Sơn & Dung Quất, được tự do mua bán trao đổi lẫn nhau giữa các TNPP như nghị định 95/2021 hiện nay đang quy định.

Nguồn: Copy

Tin quốc tế

Phân tích thị trường