Bản tin đầu tuần ngày 29/07: Dầu thô tiếp tục giảm vào tuần trước

Bản tin đầu tuần ngày 29/07: Dầu thô tiếp tục giảm vào tuần trước

Thị trường dầu thô đã trải qua một tuần đầy biến động, với giá dao động khi các nhà giao dịch cân nhắc dữ liệu kinh tế, các sự kiện toàn cầu và sự thay đổi cung-cầu.

Kết thúc phiên giao dịch tuần trước (từ ngày 22/7 đến hết ngày 26/7), giá dầu Brent đạt 81,13 USD/thùng, giảm từ mức 82,63 USD/thùng, tương đương giảm 1,82%. Giá dầu WTI giảm 1,48 USD đạt mức 77,16 USD/thùng, tương đương giảm 1,88%.

Nguồn: Tổng hợp

Tóm tắt diễn biến tin tức dầu thô tuần trước (từ ngày 22/07 đến hết ngày 28/07):

Chỉ số hàng tồn kho và nhu cầu về xăng dầu tại Mỹ

Báo cáo từ cả API và EIA cho thấy các số liệu dự trữ dầu thô Mỹ tiếp tục giảm mạnh vào tuần trước.

Cụ thể, Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn trữ dầu thô hàng tuần giảm 3,9 triệu thùng. Dữ liệu API cho thấy tồn kho xăng đã giảm 2,8 triệu thùng, trong khi tồn kho các sản phẩm chưng cất – loại nhiên liệu bao gồm dầu diesel và dầu sưởi – giảm 1,5 triệu thùng.

Trong khi đó, theo thông tin từ EIA cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 3,7 triệu thùng vào tuần trước, trong khi kỳ vọng của các nhà phân tích là giảm 1,6 triệu thùng. Tồn kho xăng giảm 5,6 triệu thùng, tồn kho sản phẩm chưng cất, gồm dầu diesel và dầu sưởi, giảm 2,8 triệu thùng. Việc tồn kho giảm chứng tỏ nhu cầu về nhiên liệu vẫn đang cao.

Việc dữ liệu về tồn kho dầu thô, xăng và sản phẩm chưng cất liên tục giảm trong những tuần qua là dấu hiệu tích cực cho thấy nhu cầu nhiên liệu tại Mỹ vẫn đang ở mức tốt.

Lo ngại về nhu cầu tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế giới

Những lo ngại liên tục về nhu cầu dầu yếu kém từ Trung Quốc, một trong những quốc gia có sản lượng nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, tiếp tục ảnh hưởng tới giá dầu thô. Hoạt động nhập khẩu dầu và lọc dầu của Trung Quốc, đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, những dữ liệu kinh tế gần đây của đất nước tỷ dân và các chính sách kinh tế của chính phủ cũng không giúp thúc đẩy niềm tin của thị trường về nhu cầu của quốc gia này.      

Sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ

Dữ liệu mạnh mẽ về GDP của Mỹ được công bố vào thứ Năm tuần trước đã giúp hỗ trợ giá dầu. Tăng trưởng GDP nhanh hơn dự kiến đã làm tăng kỳ vọng về việc nhu cầu dầu thô cao hơn tại Mỹ. Bên cạnh đó, chỉ số PCE của Mỹ giảm xuống 2,5% trong tháng Sáu. Việc chỉ số này liên tục giảm trong những tháng qua cho thấy lạm phát Mỹ đang dần dần tiến tới con số mục tiêu của Fed và làm tăng kỳ vọng của thị trường vào việc Fed sẽ giảm lãi suất vào tháng 9.

Vào thứ Sáu, những chỉ số kinh tế liên quan tới nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ được công bố. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ do đại học Michigan đánh giá bản chỉnh sửa đạt 66,4, một con số tương đối thấp so với các tháng trước đó. Bên cạnh đó, thu nhập cá nhân của người dân Mỹ chỉ tăng 0,2% so với tháng trước đó dự báo nhu cầu giảm trong tương lai. Điều này có thể sẽ khiến nhu cầu về nhiên liệu giảm trong tương lai và khiến dầu thô giảm giá.

Diễn biến toàn cầu: Căng thẳng tại Trung Đông và cháy rừng tại Canada

Những tiến triển trong các cuộc đàm phán ngừng bắn giúp xoa dịu căng thẳng tại Trung Đông, trong khi cháy rừng ở tỉnh Alberta của Canada đe dọa tạm thời đến nguồn cung dầu. Những sự kiến này đã làm tăng thêm sự phức tạp cho thị trường, ảnh huowgnr đến biến động giá trong suất tuần.

Những chỉ số kinh tế Mỹ được công bố trong tuần này

Vào thứ Ba ngày 30 tháng 7, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ và việc làm JOLT sẽ được công bố. Xu hướng tăng trong niềm tin của người tiêu dùng có thể thúc đẩy nhu cầu và khiến giá dầu tăng. Chỉ số việc làm tăng cũng hỗ trợ giá dầu do việc làm tăng chỉ ra thị trường lao động thắt chặt hơn và giúp thúc đẩy nhu cầu.

Vào thứ Tư ngày 31 tháng 7, số liệu việc làm phi nông nghiệp ADP sẽ được công bố. Chỉ số này tăng trưởng ít hơn so với tháng trước đó sẽ làm niềm tin của thị trường vào việc Fed sẽ có nhiều đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay tăng lên.

Vào thứ Sáu, báo cáo về bảng lương phi nông nghiệp Mỹ sẽ là bản công bố dữ liệu quan trọng. Tăng trưởng tiền lương thấp hơn và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn sẽ khiến làm tăng niềm tin vào việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.

Cuộc họp của Fed về sẽ diễn ra vào đêm ngày mùng 1 tháng 8. Cuộc họp này sẽ đưa ra những quyết định liên quan tới lãi suất của Mỹ. Các nhà đầu tư kỳ vọng Fed vẫn sẽ giữ nguyên lãi suất. Tuy nhiên, những gợi ý của Fed trong cuộc họp về số lần cắt giảm trong năm nay có thể sẽ hỗ trợ giá dầu. Vào cùng ngày, OPEC+ cũng sẽ tổ chức một cuộc họp liên quan tới chính sách sản lượng của tổ chức này trong thời gian tới.

Nhận định: Với sự kết hợp hiện tại của các yếu tố tăng và giảm giá, giá dầu có thể sẽ đi ngang trong tuần này. Mặc dù áp lực giảm giá vẫn khá lớn, tuy nhiên sự kết hợp của việc tồn kho Mỹ giảm mạnh và rủi ro nguồn cung tiềm tàng tại Canada cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ giá dầu và có thể giúp giá tăng nếu có những yếu tố tích cực phù hợp xuất hiện.

Tin quốc tế

Phân tích thị trường