Bản tin đầu tuần ngày 05/08: Dầu thô giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng

Bản tin đầu tuần ngày 05/08: Dầu thô giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng

Thị trường dầu thô tuần trước trải qua một tuần đầy biến động bắt đầu với căng thẳng địa chính trị khiến cho giá dầu tăng vọt. Vụ giết hại lãnh đạo của Hamas ở Iran và một chỉ huy Hezbollah tại Beirut đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến rộng lớn tại Trung Đông. Tuy nhiên, những lo ngại từ việc suy thoái kinh tế Mỹ đã khiến giá dầu kết thúc bằng một mức giá tại mức thấp nhất trong 8 tháng gần đây.

Kết thúc phiên giao dịch tuần trước (từ ngày 29/07 đến hết ngày 02/08), giá dầu Brent đạt 76.81 USD/thùng, giảm từ mức 81,13 USD/thùng, tương đương giảm 5,32%. Giá dầu WTI giảm 3,64 USD đạt mức 73,52 USD/thùng, tương đương giảm 4,8%.

Nguồn: Tổng hợp

Tóm tắt diễn biến tin tức dầu thô tuần trước (từ ngày 29/07 đến hết ngày 04/08):

Chỉ số hàng tồn kho và nhu cầu về xăng dầu tại Mỹ

Báo cáo từ cả API và EIA cho thấy các số liệu dự trữ dầu thô Mỹ tiếp tục giảm mạnh vào tuần trước.

Cụ thể, Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn trữ dầu thô hàng tuần giảm 4,5 triệu thùng trong tuần trước.

Trong khi đó, dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 3,4 triệu thùng vào tuần trước, cao hơn gấp ba lần so với mức giảm 1,1 triệu thùng được dự đoán trước đó. Dự trữ dầu thô Mỹ đã giảm trong tuần thứ năm liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 1 năm 2021.

Dự trữ dầu thô Mỹ giảm mạnh vào tuần trước đó chủ yếu là do việc xuất khẩu mạnh mẽ bù đắp cho việc các nhà máy lọc dầu giảm năng suất.

Việc dữ liệu về tồn kho dầu thô, xăng và sản phẩm chưng cất liên tục giảm trong những tuần qua là dấu hiệu tích cực cho thấy nhu cầu nhiên liệu tại Mỹ vẫn đang ở mức tốt.

Căng thẳng Trung Đông khiến giá dầu tăng đột biến

Vụ việc thủ lĩnh của Hamas bị sát hại tại Iran và cuộc tấn công của Isreal khiến cho một chỉ huy Hezbollah ở Beirut thiệt mạng đã làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung do xung đột có thể sẽ lan rộng ra các nước khác tại Trung Đông. Điều này đã đẩy giá dầu thô tương lai Brent và WTI tăng hơn 2 đô la một thùng vào phiên giao dịch thứ Tư ngày 31/07.

Nền kinh tế Trung Quốc suy yếu

Nền kinh tế của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã có dấu hiệu chậm lại. Sản xuất đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp, trong khi lượng dầu nhập khẩu của châu Á đạt mức thấp nhất trong hai năm. Sự sụt giảm bất ngờ về nhu cầu từ những người tiêu dùng khiến thị trường trở nên lo ngại về nhu cầu Trung Quốc nói riêng và toàn cầu nói chung.

Những tín hiệu suy thoái kinh tế Mỹ khiến thị trường lao dốc

Những dữ liệu kinh tế được công bố tuần trước của Mỹ cho thấy sự thất vọng do không đạt kỳ vọng, làm dấy lên nỗi lo về suy thoái kinh tế.

Cụ thể, số người lần đầu nộp đơn xin trợ cấp đạt 249 nghìn đơn, tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2023. Chỉ số sản xuất ISM, thước đo hoạt động nhà máy ở Mỹ đạt mức 46,8%, tệ hơn so với dự báo. Bên cạnh đó, số việc làm phi nông nghiệp chỉ tăng 114.000 trong tháng 7, giảm so với con số đã được điều chỉnh 179.000 của tháng 6. Mức tăng này cũng thấp hơn ước tính của Dow Jones là 185.000 việc làm mới. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3%, mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2021.

Trong cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25%-5,5%. Tuy nhiên, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết lãi suất có thể sớm được cắt giảm vào tháng 9 nếu nền kinh tế Mỹ diễn biến như kỳ vọng.

OPEC+ duy trì mọi thứ ổn định

Trong bối cảnh dầu thô liên tục giảm trong các tuần gần đây, OPEC+ đã quyết định bám sát kế hoạch hiện tại, bao gồm cacr việc hủy bỏ một số đợt cắt giảm sản lượng từ tháng 10.

Nhận định: Những lo ngại về nhu cầu yếu kém trên toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc và sự suy thoái kinh tế tại Mỹ vẫn đang là trọng tâm. Do đó, giá dầu tuần này khả năng sẽ tiếp tục giảm hoặc đi ngang. Tuy nhiên nếu có sự kiện địa chính trị mới tại Trung Đông xảy ra thì có thể xu hướng của thị trường sẽ bị thay đổi.

Tin quốc tế

Phân tích thị trường