Bản tin sáng ngày 13/09: Giá dầu tăng 2% vì bão gây thiệt hại cho sản lượng ở Vịnh Mexico, Hoa Kỳ

Bản tin sáng ngày 13/09: Giá dầu tăng 2% vì bão gây thiệt hại cho sản lượng ở Vịnh Mexico, Hoa Kỳ

Giá dầu thô tăng hơn 2% khi kết thúc phiên giao dịch hôm thứ Năm do các nhà sản xuất đánh giá tác động của cơn bão Francine đến sản lượng tại Vịnh Mexico của Mỹ sau khi cơn bão này quét qua các khu vực sản xuất dầu ngoài khơi trước khi bị hạ cấp thành bão nhiệt đới.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/09/2024, giá dầu Brent và WTI đều tăng. Cụ thể, giá dầu Brent tăng từ mức 70,61 USD/thùng lên mức 71,97 USD mỗi thùng, tương đương tăng 1,9%. Trong khi đó, dầu WTI của Mỹ tăng 1,66 USD/thùng, tương đương tăng 2,5%, đạt mức 68,97 USD/thùng.

Cả hai hợp đồng đều tăng hơn 2% vào thứ Tư khi các công ty sơ tán các giàn khoan ngoài khơi do Francine. Các nhà phân tích của UBS cho biết tình trạng gián đoạn này ước tính sẽ làm giảm sản lượng trong tháng này từ VỊnh Mexico khỏng 50.000 thùng mỗi ngày.

Giá dầu Brent và WTI tháng 9. (Nguồn:Tổng hợp)

Hơn 730.000 thùng dầu mỗi ngày, tương đương gần 42% sản lượng dầu ở Vịnh Mexico, đã bị ngừng sản xuất do bão Francine vào thứ Năm, theo Cục An toàn và Môi trường Hoa Kỳ (U.S. Bureau of Safety and Environmental Enforcement).

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo rằng tác động của Francine có thể chỉ là ngắn hạn, vì cơn bão đã nhanh chóng suy yếu sau khi đổ bộ vào Louisiana vào tối thứ Tư. Điều này có thể khiến thị trường dầu tập trung trở lại vào tình trạng thiếu cầu trên toàn cầu, theo Alex Hodes, nhà phân tích tại StoneX, cho biết trong một bản ghi chú gửi đến khách hàng.

Các cảng xuất khẩu dầu và nhiên liệu từ miền nam đến trung tâm Texas đã mở cửa trở lại vào thứ Năm và các nhà máy lọc dầu cũng đang tăng cường sản xuất.

Những lo ngại về nhu cầu dầu toàn cầu yếu, đặc biệt là từ nước nhập khẩu hàng đầu Trung Quốc, đã gây áp lực lớn lên giá dầu trong những tháng gần đây. Hợp đồng dầu Brent đã chốt ở mức thấp gần ba năm vào thứ Ba sau khi nhóm sản xuất OPEC+ cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu hàng năm lần thứ hai liên tiếp trong tháng này.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency) vào thứ Năm đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu năm 2024 hơn 7%, xuống còn 900.000 thùng mỗi ngày, do nhu cầu yếu ở Trung Quốc và sự tăng trưởng yếu ở các khu vực khác.

Hoa Kỳ, quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu, cũng đang bộc lộ dấu hiệu của nhu cầu yếu. Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy vào thứ Tư rằng kho dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ đã tăng trong tuần qua do nhập khẩu dầu tăng, xuất khẩu giảm và nhu cầu nhiên liệu sụt giảm.

Giá xăng tại Hoa Kỳ đang có xu hướng giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm do nhu cầu yếu và nguồn cung dồi dào, theo các nhà phân tích. Tiêu thụ xăng tại Hoa Kỳ chiếm gần 9% nhu cầu dầu toàn cầu.

Các nhà giao dịch cũng đang theo dõi sát sao cuộc khủng hoảng kéo dài hàng tuần về việc kiểm soát Ngân hàng Trung ương Libya, đã dẫn đến việc giảm sản lượng và xuất khẩu dầu từ quốc gia này. Một thỏa thuận sơ bộ đã đạt được vào tuần trước để giải quyết cuộc khủng hoảng, nhưng tình hình vẫn còn phức tạp.

Các nhà phân tích tại FGE cho biết sản lượng dầu thô ở Libya đang phục hồi và các hoạt động xuất khẩu đang được nối lại, nhưng cảnh báo rằng việc phục hồi hoàn toàn vẫn chưa chắc chắn.

Tin quốc tế

Phân tích thị trường