Bản tin đầu tuần ngày 28/10: Giá dầu khởi đầu tuần mới với mức giảm mạnh

Bản tin đầu tuần ngày 28/10: Giá dầu khởi đầu tuần mới với mức giảm mạnh

Cả hai hợp đồng tương lai Brent và WTI đều chốt tăng sau một tuần đầy biến động do những lo ngại về xung đột tại Trung Đông có thể ảnh hưởng tới nguồn cung dầu thô, những kỳ vọng xung quanh chính sách kích thích kinh tế của Trung Quốc và những chính sách của Mỹ trong thời gian tới.

Trong tuần trước, giá dầu Brent tăng từ mức 73,06 USD/thùng lên mức 76,05 USD/thùng, tương đương tăng 4,09%. Giá dầu thô tương lai WTI tăng 2,56 USD, tương đương tăng 3,70%.

Giá dầu Brent và WTI giao dịch từ đầu tháng 6

 

Căng thẳng Trung Đông tác động tới giá dầu

Tình hình tại Trung Đông tiếp tục leo thang khi Israel mở rộng các cuộc tấn công vào lực lượng Hezbollah tại Lebanon và các mục tiêu khác ở Dải Gaza. Dù Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nỗ lực kêu gọi ngừng bắn, tình hình vẫn chưa hạ nhiệt. Lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu từ khu vực này khiến giá dầu tăng mạnh đầu tuần trước khi giảm nhẹ vào cuối tuần.

Vào cuối tuần trước, Israel đã thực hiện cuộc tấn công trả đũa Iran. Tuy nhiên cuộc tấn công không gây thiệt hại nhiều và không nhằm vào các cơ sở dầu mỏ và hạt nhân của Iran. Truyền thông Iran cho biết Israel đã gây ra “thiệt hại hạn chế” đối với các địa điểm cụ thể ở Iran. Iran cho biết họ sẽ không đáp trả các cuộc tấn công của Israel, điều này sẽ dẫn đến sự suy giảm lo ngại rủi ro địa chính trị.

Việc nguồn cung từ Iran không còn rủi ro bị ảnh hưởng khiến giá dầu giảm mạnh vào đầu phiên giao dịch ngày hôm nay.

Ảnh hưởng từ kinh tế Trung Quốc và chính sách tiền tệ Fed

Tại Trung Quốc, chính phủ đã cắt giảm lãi suất để kích thích kinh tế, với hy vọng thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ dài hạn.

Trong khi đó, tại Mỹ, Fed dự kiến sẽ giảm lãi suất trong các quý tới, góp phần giảm chi phí vay và hỗ trợ nhu cầu dầu. Tuy nhiên, tác động từ những biện pháp này cần thời gian để thực sự ảnh hưởng đến thị trường.

Sản lượng dầu thô của Mỹ đạt mức kỷ lục

Theo báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu của Mỹ đạt mức kỷ lục 13,5 triệu thùng/ngày trong tuần qua. Đồng thời, dự trữ dầu thô của Mỹ cũng tăng vượt dự báo hơn 5 triệu thùng trong tuần đó, đạt 426 triệu thùng, tạo thêm áp lực giảm giá dầu do nguồn cung dồi dào.

Dữ liệu tồn kho dầu toàn cầu giảm, cho thấy thị trường dầu đang có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là trong quý IV. Dù vậy, việc đồng USD tăng giá lại gây áp lực giảm giá dầu do làm giảm nhu cầu từ các nước sử dụng đồng tiền khác.

Triển vọng thị trường tuần này:

Căng thẳng Iran-Israel tạm thời hạ nhiệt khi Iran cho biết họ sẽ không đáp trả các cuộc tấn công của Israel, điều này sẽ dẫn đến sự suy giảm lo ngại rủi ro địa chính trị. Trong tuần, ngoài diễn biến xung đột ở Trung Đông, thị trường cũng sẽ dõi theo dữ liệu chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE), thước đo lạm phát ưa chuộng của Ngân hàng Trung ương Mỹ, để có thêm căn cứ về cắt giảm lãi suất tại Mỹ trong thời gian tới và chỉ số GDP Mỹ để đánh giá nhu cầu của thị trường này. Thị trường hiện vẫn đang đặt cược khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản thêm 2 lần nữa trước khi kết thúc năm.

Việc căng thẳng tại Trung Đông giảm bớt và nguồn cung từ Iran dường như không bị ảnh hưởng sẽ khiến giá dầu giảm và chiết khấu các mặt hàng của các đơn vị sẽ tăng dần.

Tin quốc tế

Phân tích thị trường