Bản tin chiều ngày 28/10: Giá dầu giảm hơn 4% sau cuộc tấn công của Israel vào Iran
Vào đầu tuần, giá dầu giảm mạnh do các cuộc không kích của Israel vào Iran vào cuối tuần qua không tác động đến các cơ sở dầu khí và hạt nhân của Tehran, đồng thời không ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng từ khu vực này, giúp giảm bớt căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông.
Cụ thể, giá dầu Brent và dầu WTI của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10 ngay khi mở cửa giao dịch. Đến 12:14 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent đạt 72,59 USD mỗi thùng, giảm 3,46 USD, tương đương 4,6%, trong khi giá dầu WTI giảm 3,37 USD, tương đương 4,7%, còn 68,41 USD mỗi thùng. Trước đó, trong tuần trước, cả hai chỉ số này đã tăng 4% khi thị trường lo ngại về những phản ứng từ phía Israel đối với Iran, cùng với sự bất ổn trước cuộc bầu cử tại Mỹ sắp diễn ra.
Cuộc tấn công của Israel đã diễn ra qua ba đợt trước rạng sáng ngày thứ Bảy, tập trung vào các cơ sở sản xuất tên lửa và các khu vực gần Tehran cũng như phía Tây Iran. Theo các chuyên gia, phần “phí rủi ro địa chính trị” tích hợp trong giá dầu trước đợt tấn công của Israel đã giảm xuống. Saul Kavonic, chuyên gia năng lượng tại MST Marquee, nhận định: “Việc tránh các cơ sở dầu mỏ đã giúp thị trường kỳ vọng vào một con đường hạ nhiệt xung đột, khiến giá dầu giảm vài USD mỗi thùng.”
Ngoài ra, theo chuyên gia Vivek Dhar của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, thị trường hiện đang tập trung vào các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas, được Iran hậu thuẫn, đã nối lại vào cuối tuần qua. Mặc dù Israel phản ứng ở mức độ ít gây căng thẳng, vẫn còn nghi ngờ liệu ngừng bắn lâu dài có đạt được giữa Israel và các lực lượng được Iran hậu thuẫn như Hamas và Hezbollah.
Citi đã hạ dự báo giá dầu Brent trong ba tháng tới từ 74 USD xuống 70 USD mỗi thùng, do yếu tố rủi ro ngắn hạn đã giảm bớt. Tim Evans, chuyên gia của Evans Energy, cho biết thị trường đang bị đánh giá thấp và có khả năng OPEC+ sẽ hoãn kế hoạch tăng sản lượng vào tháng 12 để duy trì sự ổn định.
Tháng Mười vừa qua, OPEC+ đã quyết định giữ nguyên chính sách sản lượng và tiếp tục kế hoạch tăng sản lượng từ tháng Mười Hai. Nhóm dự kiến họp vào ngày 1 tháng 12 để xem xét lại chiến lược trước cuộc họp toàn thể OPEC+.
Xu hướng thị trường:
Căng thẳng Iran-Israel tạm thời hạ nhiệt khi Iran cho biết họ sẽ không đáp trả các cuộc tấn công của Israel, điều này sẽ dẫn đến sự suy giảm lo ngại rủi ro địa chính trị. Trong tuần, ngoài diễn biến xung đột ở Trung Đông, thị trường cũng sẽ dõi theo dữ liệu chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE), thước đo lạm phát ưa chuộng của Ngân hàng Trung ương Mỹ, để có thêm căn cứ về cắt giảm lãi suất tại Mỹ trong thời gian tới và chỉ số GDP Mỹ để đánh giá nhu cầu của thị trường này. Thị trường hiện vẫn đang đặt cược khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản thêm 2 lần nữa trước khi kết thúc năm.
Việc căng thẳng tại Trung Đông giảm bớt và nguồn cung từ Iran dường như không bị ảnh hưởng sẽ khiến giá dầu giảm và chiết khấu các mặt hàng của các đơn vị sẽ tăng dần.