Bản tin sáng ngày 18/12/2024: Giá dầu giảm khoảng 1% do lo ngại nhu cầu yếu từ Trung Quốc

Bản tin sáng ngày 18/12/2024: Giá dầu giảm khoảng 1% do lo ngại nhu cầu yếu từ Trung Quốc

Giá dầu giảm khoảng 1% xuống mức thấp nhất trong một tuần vào phiên giao dịch thứ Ba do lo ngại về nhu cầu sau khi xuất hiện các tin tức tiêu cực từ nền kinh tế Đức và Trung Quốc, trong khi đó các nhà đầu tư vẫn thận trọng trước quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed).

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 0,72 USD, tương đương 1,0%, chốt ở mức 73,19 USD/thùng, trong khi dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giảm 0,63 USD, tương đương 0,9%, chốt ở mức 70,08 USD/thùng.

Đây là mức thấp nhất của dầu Brent kể từ ngày 10 tháng 12, với mức chênh lệch giá Brent-WTI giảm xuống còn 3,54 USD/thùng, mức thấp nhất trong 12 tuần. Theo các chuyên gia, khi chênh lệch giá dưới 4 USD/thùng, các công ty năng lượng Mỹ sẽ giảm xuất khẩu dầu thô do không còn hiệu quả kinh tế.

Giá dầu thô Brent và WTI giao dịch từ đầu tháng 12

Tình hình kinh tế ảnh hưởng tới nhu cầu dầu mỏ

Tại Trung Quốc, tăng trưởng sản lượng công nghiệp tháng 11 cải thiện nhẹ, nhưng doanh số bán lẻ lại gây thất vọng, thúc đẩy lời kêu gọi Bắc Kinh áp dụng các biện pháp kích thích tiêu dùng.

Tại Đức, chỉ số tâm lý kinh doanh tháng 12 do Viện Ifo công bố đã giảm mạnh hơn dự kiến. Sự bi quan gia tăng do bất ổn địa chính trị và suy thoái công nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Mối lo ngại về nhu cầu suy yếu, đặc biệt là Trung Quốc đã đè nặng lên giá dầu và khiến giá giảm trong phiên giao dịch ngày hôm qua.

Kỳ vọng từ Fed và dữ liệu kinh tế Mỹ

Tại Mỹ, doanh số bán lẻ tăng mạnh trong tháng 11, nhờ doanh số xe cơ giới và mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, báo cáo này không làm thay đổi dự đoán rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào thứ Tư, đánh dấu lần giảm thứ ba trong chu kỳ nới lỏng chính sách hiện tại.

Lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí vay, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ. Fed đã bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 9, sau giai đoạn tăng mạnh vào năm 2022 và 2023 để kiềm chế lạm phát.

Tồn kho dầu thô tại Mỹ

Về tồn kho xăng dầu của Mỹ trong tuần trước, Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thô giảm 4,7 triệu thùng, tồn kho xăng tăng 2,4 triệu thùng. Mặc dù dự trữ dầu thô giảm, tuy nhiên dự trữ xăng của Mỹ liên tục tăng trong những tuần qua. Điều này cho thấy các nhà máy tăng năng suất lọc dầu tuy nhiên nhu cầu xăng lại giảm.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ được công bố trong tuần này. Dự báo cho thấy các công ty năng lượng Mỹ đã rút 1,6 triệu thùng dầu thô khỏi kho trong tuần kết thúc vào ngày 13/12. Nếu đúng, đây sẽ là lần đầu tiên tồn kho dầu thô Mỹ liên tiếp trong bốn tuần kể từ tháng 8.

Sản lượng từ tổ chức OPEC+

Kazakhstan, một thành viên OPEC+, dự báo sản lượng dầu và khí ngưng tụ năm 2024 đạt 87,8 triệu tấn, giảm so với dự báo trước đó là hơn 88 triệu tấn.

Liên minh châu Âu đã thông qua gói trừng phạt thứ 15 đối với Nga, bao gồm các biện pháp nhắm vào các thực thể Trung Quốc và tàu thuộc “hạm đội bóng tối” của Moscow. Anh cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với các tàu bị cáo buộc vận chuyển dầu bất hợp pháp từ Nga.

OPEC+ bao gồm các nước xuất khẩu dầu lớn như Nga, Kazakhstan và các quốc gia OPEC, đã thống nhất cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu.

Xu hướng thị trường: Tâm điểm tuần này sẽ là kết quả cuộc họp của Fed về chính sách lãi suất, dự kiến sẽ có trong đêm nay hoặc ngày mai. Bên cạnh đó, dữ liệu về lạm phát Mỹ cũng sẽ được công bố vào tối thứ Sáu. Nên hạn chế nhập hàng, chỉ nên nhập hàng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong thời điểm này và chốt lời hàng tồn kho từ trước từ thời điểm hiện tại cho tới khi thay đổi giá bán lẻ.

Tin quốc tế

Phân tích thị trường