Bản tin sáng ngày 6/2/2025: Giá dầu giảm khi lượng dầu thô tồn kho của Hoa Kỳ tăng mạnh
Giá dầu giảm hơn 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư do lượng tồn kho và xăng của Mỹ tăng mạnh, cho thấy nhu cầu yếu, trong khi lo ngại về một cuộc chiến thương mại mới giữa Trung Quốc và Mỹ làm dấy lên lo sợ về tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Hợp đồng dầu Brent giảm 1,59 USD, tương đương 2,09%, xuống còn 74,61 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,67 USD, tương đương 2,3%, xuống còn 71,03 USD/thùng.
Giá dầu thô giao dịch từ đầu tháng 1
Giá dầu giảm khi lượng tồn kho dầu thô Mỹ tăng mạnh
Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), trong tuần kết thúc vào ngày 31-1, tồn kho dầu của Mỹ đã tăng mạnh 8,7 triệu thùng, khi các nhà máy lọc dầu phải đối mặt với nhu cầu xăng yếu và đang trong quá trình bảo dưỡng.
Ông John Kilduff, đối tác tại Again Capital ở New York, cho biết: “Hiện tại, các nhà máy lọc dầu không cần thêm dầu thô. Họ đang đẩy nhanh việc bảo trì vì nhu cầu tiêu thụ xăng đang suy yếu.”
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gây áp lực lên giá dầu
Giá dầu tiếp tục chịu áp lực khi Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới – tuyên bố áp thuế lên dầu thô, khi tự nhiên hóa lỏng (LNG) và than nhập khẩu từ Mỹ nhằm trả đũa các mức thuế mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc.
Ngay sau tuyên bố này, giá dầu WTI đã giảm 3%, chạm mức thấp nhất kể từ 31/12/2023. Andrew Lipow, Chủ tịch Lipow Oil Associates.cho biết: “Việc Trung Quốc áp thuế sẽ làm giảm nhu cầu đối với dầu và LNG từ Mỹ, buộc các nhà xuất khẩu phải tìm kiếm thị trường thay thế”.
OPEC đối mặt nguy cơ từ lệnh trừng phạt Mỹ đối với Iran
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã kêu gọi các thành viên OPEC đoàn kết chống lại nguy cơ Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt sau tuyên bố từ cựu Tổng thống Donald Trump về việc khôi phục chiến dịch “gây áp lực tối đa” lên Tehran.
Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã đưa xuất khẩu dầu của Iran về gần 0 thùng/ngày bằng các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt. Nếu các lệnh trừng phạt này được tái áp đặt, giá dầu có thể tiếp tục tăng do nguồn cung bị thắt chặt.
Ahmad Assiri, chiến lược gia tại Pepperstone, cho biết: “Việc siết chặt nguồn cung từ Iran có thể đẩy giá dầu lên cao, đặc biệt khi OPEC+ chưa thể điều chỉnh sản lượng kịp thời”.
Theo dữ liệu từ EIA, xuất khẩu dầu của Iran đạt 53 tỷ USD trong năm 2023 và 54 tỷ USD vào năm 2022, với sản lượng năm 2024 đạt mức cao nhất kể từ năm 2018.
Theo các chuyên gia, thị trường dầu thô hiện đang chịu tác động từ hai xu hướng trái ngược nhau: lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ làm giảm nhu cầu dầu toàn cầu và nguy cơ nguồn cung bị gián đoạn nếu Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran.
Chiết khấu các mặt hàng sẽ tiếp tục tăng. Giá bán lẻ kỳ sau, bắt đầu từ ngày 13/2 có thể sẽ giảm 0-300đ