Bản tin sáng ngày 20/2/2025: Giá dầu tiếp tục tăng do lo ngại về nguồn cung, lệnh trừng phạt đối với Nga được chú ý
Giá dầu tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất trong một tuần vào phiên giao dịch ngày thứ Tư do lo ngại về gián đoạn nguồn cung ở Nga và Mỹ, trong khi thị trường chờ đợi sự rõ ràng về các lệnh trừng phạt khi Mỹ cố gằng làm trung gian hòa giải để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
Giá dầu Brent tăng 0,2 USD, tương đương 0,3%, chốt phiên ở mức 76,04 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ tăng 0,4 USD, tương đương 0,6% lên 72,25 USD/thùng. Đây là mức kết thúc phiên giao dịch cao nhất kể từ ngày 11 tháng 2.
Giá dầu thô giao dịch từ đầu tháng 2
Giá dầu tiếp tục tăng do gián đoạn nguồn cung từ Nga và Mỹ
Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Nga đang làm gián đoạn nguồn cung. Chính phủ Nga xác nhận, dòng chảy dầu từ Tập đoàn Đường ống Caspian (CPC) – tuyến xuất khẩu dầu quan trọng của Kazakhstan – đã giảm 30-40% sau một cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine vào trạm bơm. Theo Reuters, mức giảm này tương đương với 380.000 thùng dầu/ngày mất đi khỏi thị trường. Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc rằng vụ tấn công có thể đã được phối hợp với các đồng minh phương Tây của Ukraine.
Tại Mỹ, thời tiết lạnh giá cũng đang đe dọa sản lượng dầu. Cơ quan Đường ống Bắc Dakota ước tính sản lượng tại bang này có thể giảm lên tới 150.000 thùng/ngày do điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Bên cạnh đó, OPEC+ có thể hoãn kế hoạch tăng sản lượng dự kiến vào tháng Tư, góp phần giữ giá ở mức cao.
Diễn biến chính trị và tác động lên giá dầu
Căng thẳng chính trị tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường năng lượng. Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là “một nhà độc tài không có bầu cử” và kêu gọi ông này nhanh chóng đạt thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Goldman Sachs, ngay cả khi Mỹ làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine, việc nới lỏng trừng phạt đối với Nga khó có thể làm tăng đáng kể nguồn cung dầu.
Goldman Sachs nhận định: “Sản lượng dầu thô của Nga bị hạn chế bởi mục tiêu sản xuất 9 triệu thùng/ngày theo thỏa thuận OPEC+, hơn là bởi các lệnh trừng phạt hiện tại.”
Tại Trung Đông, Israel và Hamas chuẩn bị tiến hành đàm phán gián tiếp về giai đoạn hai của thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Nếu đạt được tiến triển, điều này có thể làm giảm lo ngại về gián đoạn nguồn cung, qua đó gây áp lực lên giá dầu.
Lo ngại từ chính sách thương mại Mỹ
Bên cạnh các yếu tố địa chính trị, chính sách thương mại của chính quyền Trump cũng có thể ảnh hưởng đến giá dầu. Các mức thuế nhập khẩu mới có thể làm tăng chi phí hàng hóa, khiến nền kinh tế toàn cầu suy yếu và kéo giảm nhu cầu nhiên liệu.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang lo ngại về lạm phát gia tăng do các doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng giá để bù đắp chi phí thuế nhập khẩu. Nếu Fed tiếp tục duy trì lãi suất cao trong thời gian dài, chi phí vay sẽ tăng, khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại và ảnh hưởng đến nhu cầu dầu.
Dữ liệu tồn kho dầu thô của Mỹ đang được theo dõi sát sao
Thị trường hiện đang chờ đợi dữ liệu tồn kho dầu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) vào thứ Tư và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vào thứ Năm. Do kỳ nghỉ Ngày Tổng thống Mỹ vào thứ Hai, các báo cáo này sẽ được công bố muộn hơn thường lệ.
Các nhà phân tích dự báo rằng, trong tuần kết thúc vào ngày 14/2, các công ty năng lượng Mỹ có thể đã bổ sung 2,2 triệu thùng dầu vào kho dự trữ. Nếu đúng, đây sẽ là tuần thứ tư liên tiếp tồn kho dầu của Mỹ tăng – điều chưa từng xảy ra kể từ tháng 4/2024.
Dự báo giá dầu
Với những yếu tố địa chính trị và kinh tế đang diễn ra, giá dầu hiện vẫn chịu tác động lớn từ các biến động cung – cầu. Nhà đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi sát các diễn biến liên quan đến OPEC+, tình hình chiến sự Nga – Ukraine, cũng như các chính sách kinh tế từ Mỹ để dự đoán xu hướng giá dầu trong thời gian tới.
Giá bán lẻ ngày 27/2 có thể tăng từ 0-200đ so với giá bán lẻ chiều nay.