Bản tin sáng ngày 15/4/2025: Giá dầu tăng nhẹ nhờ nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng mạnh
Giá dầu tăng nhẹ sau khi kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, được hỗ trợ bởi dữ liệu cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 3 phục hồi mạnh mẽ và việc Mỹ miễn trừ thuế quan đối với một số mặt hàng điện tử. Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế do lo ngại chiến tranh thương mại có thể làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.
Giá dầu Brent tăng 0,12 USD, tương đương tăng 0,2%, đạt mức 64,88 USD/thùng. Trong khi giá dầu WTI của Mỹ tăng nhẹ 0,03 USD, đạt 61,53 USD/thùng.
Sự hồi phục của giá dầu diễn ra sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố miễn trừ một số mặt hàng điện tử như điện thoại thông minh, máy tính… khỏi mức thuế cao áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Quyết định này làm dịu bớt tâm lý lo ngại của thị trường, dù vẫn còn nhiều bất ổn liên quan đến chính sách thuế của Mỹ.
Tổng thống Trump cho biết sẽ công bố mức thuế mới đối với chất bán dẫn nhập khẩu trong tuần tới, tiếp tục làm gia tăng sự không chắc chắn trên thị trường.
Trung Quốc tăng nhập khẩu dầu thô – Tín hiệu tích cực cho nhu cầu
Theo dữ liệu công bố ngày thứ Hai, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 3 tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái, phục hồi mạnh sau hai tháng suy giảm. Sự gia tăng được thúc đẩy bởi nguồn cung từ Iran và Nga, cho thấy nhu cầu tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất châu Á vẫn đang tăng trưởng.
Tuy nhiên, cả dầu Brent và WTI đã mất khoảng 10 USD/thùng kể từ đầu tháng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang, buộc nhiều tổ chức phải hạ dự báo giá dầu trong thời gian tới.
OPEC và các tổ chức tài chính hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết trong báo cáo tháng 4 rằng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2025 sẽ chỉ tăng 1,3 triệu thùng/ngày, giảm 150.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó, với lý do ảnh hưởng từ các biện pháp thuế quan.
“Việc OPEC cắt giảm dự báo nhu cầu toàn cầu là minh chứng cho triển vọng u ám mà thị trường đang đối mặt vì thuế quan và những bất ổn khác,” chuyên gia John Kilduff từ Again Capital nhận định.
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent trung bình ở mức 63 USD/thùng và WTI ở 59 USD/thùng trong phần còn lại của năm 2025. Sang năm 2026, Brent được dự báo ở mức 58 USD và WTI ở 55 USD. Goldman cũng cho biết, nhu cầu dầu quý IV/2025 chỉ tăng 300.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nhu cầu cho nguyên liệu hóa dầu sẽ sụt giảm rõ rệt.
UBS hạ dự báo giá dầu Brent xuống còn 68 USD/thùng, giảm 12 USD. Trong khi đó, JPMorgan cũng điều chỉnh giảm dự báo giá dầu năm 2025 và 2026, do sản lượng tăng từ OPEC+ và nhu cầu yếu hơn dự kiến.
Thị trường hiện cũng đang chứng kiến Brent chuyển sang trạng thái “contango” giữa kỳ hạn tháng 12/2025 và tháng 12/2026 – tức giá tương lai cao hơn giá hiện tại, phản ánh lo ngại dư cung và nhu cầu yếu.
Các yếu tố địa chính trị tiếp tục gây ảnh hưởng
Một yếu tố tiềm năng hỗ trợ giá dầu là Mỹ có thể siết chặt xuất khẩu dầu từ Iran, theo Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright. Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa Iran và Mỹ tại Oman vào cuối tuần qua được đánh giá là “tích cực” và sẽ tiếp tục trong tuần này.
Ở chiều ngược lại, giá dầu chịu áp lực từ việc South Bow thông báo tái khởi động đường ống Keystone, vốn đã bị ngưng do sự cố rò rỉ tuần trước. Keystone là tuyến vận chuyển dầu quan trọng giữa Canada và Mỹ.