Bản tin đầu tuần ngày 15/7: Giá dầu tuần trước giảm, kết thúc chuỗi tăng giá 4 tuần liền
Giá dầu thô tuần trước giảm sau khi dữ liệu cho thấy tâm lý của người tiêu dùng Mỹ suy giảm, kết thúc 4 tuần tăng giá liên tiếp.
Kết thúc phiên giao dịch tuần trước (từ ngày 8/7 đến hết ngày 12/7), giá dầu Brent đạt 85,03 USD/thùng, giảm từ mức 86,54 USD/thùng, tương đương giảm 1,74%. Giá dầu WTI giảm 0,95 USD đạt mức 82,21 USD/thùng, tương đương giảm 1,1%.
Nguồn: Tổng hợp
Tóm tắt diễn biến tin tức dầu thô tuần trước (từ ngày 08/07 đến hết ngày 14/07):
Chỉ số hàng tồn kho và nhu cầu về xăng dầu tại Mỹ
Báo cáo từ cả API và EIA cho thấy các số liệu dự trữ dầu thô Mỹ tiếp tục giảm mạnh vào tuần trước.
Cụ thể, dữ liệu từ Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) được công bố vào thứ Ba cho thấy rằng kho dự trữ dầu của Hoa Kỳ đã giảm 1,9 triệu thùng, so với dự báo giảm 0,25 triệu thùng. Trong khi đó, dự trữ xăng giảm 3 triệu thùng, các sản phẩm chưng cất tăng 2,3 triệu thùng, cho thấy nhu cầu đối với nhiên liệu và dầu sưởi ấm có phần không đồng đều giữa các khu vực có điều kiện khí hậu khác nhau.
Việc giảm kho dự trữ trong tuần trước diễn ra sau một đợt giảm lớn trong tuần trước đó, khi các nhà cung cấp nhiên liệu chuẩn bị cho nhu cầu đi lại kỷ lục trong tuần lễ Quốc khánh. Tuy nhiên vẫn chưa rõ liệu nhu cầu đi lại này có duy trì trong những tuần tới hay không, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở nhiều khu vực lớn của quốc gia.
Trong khi đó, theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) báo cáo rằng tồn kho dầu thô của Hoa Kỳ giảm 3,4 triệu thùng xuống còn 445,1 triệu thùng trong tuần trước. Trong khi đó, tồn kho xăng của Hoa Kỳ giảm 2 triệu thùng trong tuần xuống còn 229,7 triệu thùng, tồn kho sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, tăng 4,9 triệu thùng trong tuần lên 124,6 triệu thùng.
Theo EIA, khối lượng dầu thô chạy qua nhà máy lọc dầu tăng 317.000 thùng mỗi ngày, trong khi tỷ lệ sử dụng tăng 1,9 điểm phần trăm trong tuần. Tỷ lệ sử dụng nhà máy lọc dầu tại Gulf Coast đạt mức cao nhất kể từ tháng 6 năm 2023.
Các dữ liệu kinh tế nâng cao kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất trong tháng 9
Dữ liệu công bố ngày hôm qua cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ giảm trong tháng 6. Cụ thể, chỉ số CPI của Mỹ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 0,1% so với tháng trước đó. Điều này đã làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang sẽ sớm cắt giảm lãi suất. Sau dữ liệu, các nhà giao dịch cho rằng 89% Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Lãi suất giảm có thể thúc đẩy các hoạt động kinh tế từ đó gia tăng nhu cầu về nhiên liệu.
Số liệu CPI này cũng đã kéo chỉ số đồng đô la Mỹ xuống thấp hơn. Đồng USD giảm giá có thể nâng cao nhu cầu về dầu từ các nhà đầu tư sử dụng các loại tiền tệ khác.
Tăng trưởng việc làm của Mỹ trong tháng 6 chậm lại một chút so với tháng trước đó. Cụ thể, dữ liệu từ bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ cho thấy số lượng việc làm tại Mỹ tăng thêm 206.000 việc, thấp hơn con số 272.000 vào tháng trước. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của nước này đạt 4,1%, đây là mức cao nhất trong hơn 2 năm rưỡi vừa qua.
Tăng trưởng việc làm chậm cùng với các dữ liệu kinh tế, lạm phát Mỹ gần đây lại làm tăng kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong thời gian tới. Lãi suất thấp hơn có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế và nhu cầu dầu thô.
Một cuộc khảo sát hàng tháng của Đại học Michigan cho thấy tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng vào tháng 7, mặc dù chỉ số lạm phát đã được cải thiện trong năm tới và sau đó.
Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng 0,2% trong tháng 6, cao hơn một chút so với dự kiến do chi phí dịch vụ tăng cao. Tuy nhiên các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Nhận định về lạm phát của chủ tịch Fed
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ông chưa sẵn sàng tuyên bố lạm phát đã được kiểm soát, nhưng cảm thấy Mỹ vẫn đang trên con đường ổn định giá cả và tiếp tục duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp.
Các phát biểu có phần ôn hòa gần đây của chủ tịch Fed làm cho kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất sớm tăng lên. Fed cắt giảm lãi suất sẽ khiến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.
Donald Trump bị ám sát, ảnh hưởng trực tiếp tới giá dầu
Vào chiều ngày 13/7 theo giờ địa phương, cuộc vận động tranh cử cuối cùng của Donald Trump trước thềm đại hội đảng Cộng hòa chứng kiến bước ngoặt khi tiếng súng vang lên chỉ ít phút sau khi ông phát biểu. Sau cuộc ám sát bất thành, số người ủng hộ cho Donald Trump đã tăng lên.
Khi Donald Trump lên làm tổng thống, ông này sẽ đẩy mạnh việc khai thác dầu thô và có thể có những tác động khiến tới cuộc chiến tranh giữa Ukraine và Nga, có thể dẫn tới cuộc chiến này phải dừng lại. Đây đều là những yếu tố khiến cho giá dầu đi xuống.
Nhận định: Trong tuần này, thị trường sẽ tập trung vào các phát biểu của chủ tịch Fed Jerome Powell vào tối thứ 2 và chỉ số giá bán lẻ được công bố vào tối thứ 7.