Bản tin đầu tuần ngày 25/11/2024: Giá dầu tăng mạnh khi căng thẳng địa chính trị leo thang
Cả hai hợp đồng dầu thô Brent và WTI tăng khoảng 6% trong tuần trước do Mỹ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tấn công tầm xa khiến cho căng thẳng giữa Nga và Ukraine ngày càng gia tăng, tạo ra sự lo ngại về việc gián đoạn nguồn cung dầu thô từ Nga
Giá dầu Brent và WTI đều tăng mạnh trong tuần trước. Cụ thể, giá dầu Brent tăng từ mức 71,04 USD/thùng lên mức 75,17 USD/thùng, tương đương 5,81%. Giá dầu thô tương lai WTI tâng 4,32 USD, tương đương tăng 6,45%, đạt mức 71,24 USD/thùng.
Giá dầu thô Brent và WTI giao dịch theo tuần từ đầu tháng 8
Xung đột leo thang giữa Nga và Ukraine
Xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang với việc Ukraine sử dụng vũ khí ATACMS và Storm Shadow tấn công Nga, làm gia tăng lo ngại về gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga, quốc gia xuất khẩu lớn thứ hai thế giới.
Nga đáp trả bằng các cuộc tấn công tên lửa và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, tạo áp lực tăng giá dầu. Xung đột kéo dài và lệnh trừng phạt từ Mỹ đối với Nga càng làm gia tăng rủi ro địa chính trị.
Tình hình nhu cầu tại Trung Quốc
Trung Quốc được kỳ vọng sẽ đạt mức nhập khẩu dầu thô kỷ lục trong tháng 11, nhờ giá dầu thô đang thấp và nước này mới công bố các chính sách thúc đẩy thương mại, đặc biệt là các sản phẩm năng lượng.
Tuy nhiên, nhu cầu nội địa yếu và nhập khẩu giảm liên tục 6 tháng qua đã gây áp lực giảm giá dầu.
Nguồn cung toàn cầu
Nguồn cung tại mỏ Johan Sverdrup (Na Uy) và mỏ Tengiz (Kazakhstan) đã giúp ổn định nguồn cung.
OPEC+ có khả năng trì hoãn việc tăng sản lượng do nhu cầu suy yếu, trong khi tổ chức này vẫn chiếm 50% nguồn cung toàn cầu.
Tác động từ nền kinh tế Mỹ và châu Âu
Kinh tế Mỹ phục hồi tốt khi chỉ số PMI tăng, trong khi nền kinh tế Châu Âu có dấu hiệu suy thoái, điều này khiến USD tăng giá và đạt mốc 107 trong tuần trước, mức giá cao nhất trong vòng 2 năm. Việc USD tăng giá khiến dầu thô trở nên đắt đỏ với các quốc gia khác, làm giảm nhu cầu.
Triển vọng thị trường tuần này:
Giá dầu thô đã trải qua một tuần biến động mạnh, chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố địa chính trị và kinh tế. Căng thẳng Nga-Ukraine leo thang, bao gồm việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ và Anh để tấn công lãnh thổ Nga, đã gia tăng lo ngại về gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga, quốc gia xuất khẩu lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, các yếu tố giảm giá cũng xuất hiện, bao gồm việc tồn kho dầu thô và xăng tại Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến, cùng với dấu hiệu nhu cầu yếu từ Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Hoạt động khôi phục sản lượng tại mỏ Johan Sverdrup ở Na Uy cũng giúp ổn định một phần nguồn cung.
Trong tuần này, xung đột Nga – Ukraine, xung đột tại Trung Đông, báo cáo chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – chỉ số đo lường lạm phát của Mỹ, GDP Mỹ sẽ là các yếu tố tác động mạnh lên giá dầu.