Bản tin đầu tuần ngày 30/9: Giá dầu giảm mạnh trong tuần do sản lượng có thể tăng trong tương lai
Cả hai hợp đồng tương lai Brent và WTI đều chốt giảm trong tuần trước do nguồn cung từ khu vực Trung Đông dự kiến tăng mạnh trong tương lai trong khi sản lượng từ Mỹ cũng dần được phục hồi sau khi cơn bão Helene đi qua. Thông tin hạn chế đà giảm giá dầu trong tuần trước là Trung Quốc công bố các biện pháp kích thích kinh tế và kỳ vọng về việc Fed giảm lãi suất tăng.
Trong tuần trước, giá dầu Brent tăng giảm mức 74,49 USD/thùng xuống mức 71,89 USD/thùng, tương đương giảm 3,49%. Giá dầu thô tương lai WTI giảm từ mức 71,92 USD/thùng xuống mức 68,18 USD/thùng, tương đương giảm 5,2%.
Tóm tắt diễn biến tin tức dầu thô tuần trước (từ ngày 23/09 đến hết ngày 29/09):
Tình hình nền kinh tế Châu Âu và Trung Quốc trong tuần qua
Hoạt động kinh doanh ở khu vực đồng euro đã giảm mạnh và bất ngờ trong tháng này khi ngành dịch vụ chủ đạo của khối này chững lại, trong khi sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất gia tăng.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) đã công bố một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang phải đối phó với vấn đề nợ kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, áp lực giảm phát liên tục và thất nghiệp cao ở giới trẻ. Thống đốc PBC Phan Công Thắng cho biết sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm phần trăm, hạ lãi suất chính sách và lãi suất chuẩn thị trường nhằm thúc đẩy tăng trưởng, cam kết thúc đẩy mở rộng tiêu dùng và đầu tư.
Vào ngày 27/9, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã hạ lãi suất và bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng, nhằm kéo tăng trưởng kinh tế quay trở lại mục tiêu khoảng 5% trong năm nay.
Nguồn cung dầu thô toàn cầu có thể tăng mạnh trong tương lai
Tổ chức Các Nước Xuất Khẩu Dầu Mỏ (OPEC) và các đồng minh của họ, được biết đến với tên gọi OPEC+, sẽ tiến hành kế hoạch tăng sản lượng thêm 180.000 thùng/ngày mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 12.
Báo cáo của Financial Times hôm thứ Tư cho biết kế hoạch tăng sản lượng là do quyết định của Ả Rập Saudi từ bỏ mục tiêu giá dầu 100 USD và tập trung giành thị phần. Ả Rập Saudi đã nhiều lần phủ nhận việc nhắm đến một mức giá dầu nhất định, và các nguồn tin cho biết kế hoạch tăng sản lượng từ tháng 12 không phải là thay đổi lớn từ chính sách hiện có.
Ngoài ra, có thể kỳ vọng sẽ có thêm nhiều thùng dầu xuất hiện trên thị trường toàn cầu, sau khi các phe phái đối đầu giành quyền kiểm soát Ngân hàng Trung ương Libya đã ký một thỏa thuận chấm dứt tranh chấp vào thứ Năm. Tranh chấp này đã khiến xuất khẩu dầu thô giảm xuống còn 400.000 thùng/ngày trong tháng này, so với hơn 1 triệu trước đó.
Trong khi đó, lượng tồn kho dầu thô ở Hoa Kỳ đã giảm 4,5 triệu thùng xuống còn 413 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 20 tháng 9, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng, so với kỳ vọng của các nhà phân tích trong một cuộc thăm dò của Reuters là giảm 1,4 triệu thùng. Lượng tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất cũng giảm vào tuần trước.
Chỉ số PCE của Mỹ thúc đẩy kỳ vọng giảm lãi suất
Chi tiêu của người tiêu dùng Hoa Kỳ tăng trưởng chậm hơn dự kiến vào tháng 8, trong khi áp lực lạm phát tiếp tục giảm bớt, tăng 0,2% vào tháng 8, chậm lại so với mức tăng 0,5% chưa điều chỉnh trong tháng trước. Chỉ số PCE Mỹ đã tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lạm phát kéo về gần con số 2% mở ra cơ hội về các đợt giảm lãi suất mạnh mẽ của Fed trong tương lai. Lãi suất giảm sẽ khiến nhu cầu dầu thô tăng và khiến giá dầu tăng.
Triển vọng thị trường tuần này:
Đêm ngày 30 tháng 9, chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có bài phát biểu tại Cuộc họp thường niên của Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia (NABE), Nashville, Tennessee.
Chỉ số PMI sản xuất, PMI dịch vụ sẽ được công bố lần lượt vào tối ngày 1/10 và 3/10. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát Mỹ sẽ được công bố vào ngày 4/10. Tỷ lệ thất nghiệp tăng so với tháng trước có thể sẽ làm gia tăng lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế và khiến giá dầu giảm.