Bản tin đầu tuần sáng ngày 23/09: Giá dầu thô tiếp tục tăng
Cả hai hợp đồng tương lai Brent và WTI đều chốt tăng hơn 4% trong tuần trước do ảnh hưởng từ việc Fed quyết định giảm 50 điểm lãi suất cơ bản, tuy nhiên mức tăng đã bị giới hạn bởi nhu cầu yếu từ Trung Quốc.
Trong tuần trước, giá dầu Brent tăng từ mức 71,61 USD/thùng lên 74,49 USD/thùng, tương đương tăng 4,02%. Giá dầu thô tương lai WTI tăng từ mức 68,65 USD/thùng lên mức 71,92 USD/thùng, tương đương tăng 4,76%.
Giá dầu Brent và WTI qua các tuần giao dịch năm 2024
Tóm tắt diễn biến tin tức dầu thô tuần trước (từ ngày 16/09 đến hết ngày 22/09):
Cơn bão Francine ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung dầu thô
Khoảng 6% sản lượng dầu thô tại Vịnh Mexico của Mỹ đã bị ngừng hoạt động sau hậu quả của cơn bão Francine, theo Cục An toàn và Thực thi Môi trường Mỹ cho biết hôm thứ Năm trong cập nhật cuối cùng về cơn bão.
Trong khi đó, lượng tồn kho dầu thô Mỹ đã giảm 1,6 triệu thùng xuống còn 417,5 triệu thùng trong tuần trước, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết, lớn hơn nhiều so với kỳ vọng về mức giảm 500.000 thùng. Các nhà đầu tư cho rằng dự trữ dầu thô giảm trong tuần trước là do ảnh hưởng từ con bão Francine và dự trữ dầu thô sẽ tăng trở lại khi các cơ sở hạ tầng dầu mỏ hoạt động trở lại.
FED quyết định cắt giảm 50 điểm lãi suất cơ bản
Trong cuộc họp chính sách thường kỳ của cơ quan hoạch định chính sách của Fed (FOMC), các quan chức Fed đã quyết định cắt giảm 50 điểm lãi suất cơ bản, đưa lãi suất Mỹ về mức 4,75%-5%.
Sau khi Fed đưa ra quyết định này, thị trường đã xuất hiện những lo lắng về suy thoái kinh tế tại Mỹ. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm và làm giảm nỗi lo trong việc thị trường lao động yếu hơn.
Việc cắt giảm lãi suất thường kích thích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất và thúc đẩy nhu cầu năng lượng.
Xung đột tại Trung Đông tiếp tục tạo ra những lo ngại về nguồn cung toàn cầu
Nhóm phiến quân Hezbollah đã hứa sẽ trả đũa Israel sau khi các vụ nổ xảy ra trên khắp Lebanon vào thứ Ba, khiến ít nhất tám người thiệt mạng và làm bị thương gần 3.000 người, trong đó có các chiến binh và đại sứ Iran tại Beirut.
Ngày 21/9, Israel tuyên bố, quân đội nước này thực hiện một cuộc tấn công quy mô có mục tiêu nhằm vào các thành viên cấp cao của Hezbollah với hơn 400 mục tiêu ở phía Nam Lebanon. Theo IDF, Hezbollah cũng tấn công và miền Bắc Israel để trả đũa nhưng không gây ra thiệt hại gì cho nước này.
Nhu cầu yếu kém từ Trung Quốc:
Nhập khẩu Trung Quốc gây thất vọng do nhu cầu trong nước suy yếu. Cụ thể, lượng hàng nhập khẩu tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước lên 217,63 tỷ USD vào tháng 8 năm 2024, thấp hơn ước tính 2% trong khi chậm lại đáng kể so với mức tăng 7,2% trong tháng trước.
Sản lượng Trung Quốc tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, giảm tốc độ so với tháng trước và thấp hơn dự báo. Trong khi đó giá nhà ở tại nước này cũng giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm lớn hơn nhiều so với các tháng trước đó. Các chỉ số kinh tế của Trung Quốc đều cho thấy nhu cầu dầu thô của nước này đang khá yếu.
Triển vọng thị trường tuần này:
Ngày 26/9, chỉ số GDP của Mỹ sẽ được công bố và chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, sẽ có bài phát biểu lần đầu tiên của mình sau khi Fed quyết định cắt giảm lãi suất vào tuần trước. Nếu GDP của Mỹ tăng, điều đó cho thấy nhu cầu tăng và là yếu tố hỗ trợ giá dầu, giúp giá dầu tăng.
Ngày 27/9, chỉ số PCE, thu nhập cá nhân và tiêu dùng cá nhân cũng sẽ được công bố. Nếu PCE tiếp tục giảm thì sẽ làm tăng kỳ vọng của thị trường về việc Fed tiếp tục giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách mới. Trong khi đó, thu nhập cá nhân sẽ là một chỉ báo về nhu cầu trong tương lai. Thu nhập cá nhân tăng sẽ làm nhu cầu người tiêu dùng tăng và cũng sẽ khiến nhu cầu về nhiên liệu tăng.