Bản tin sáng này 27/07: Giá dầu thô giảm mạnh do lo ngại nhu cầu từ Trung Quốc
Giá dầu giảm khoảng 1,5% sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khép lại một tuần giảm giá do ảnh hưởng tiêu cực từ nhu cầu của Trung Quốc giảm sút và hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza có thể làm dịu bớt căng thẳng tại Trung Đông và giảm bớt lo ngại về nguồn cung.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/07/2024, giá dầu Brent và WTI đều giảm. Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng 9 giảm từ mức 82,37 USD/thùng xuống mức 81,13 USD/thùng, tương đương tăng 1,5%. Trong khi đó, dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,12 USD, tương đương 1,4%, đạt mức 77,16 USD/thùng. Như vậy, sau 2 phiên tăng nhẹ liên tiếp thì giá dầu cuối tuần đã quay lại giảm. Trong tuần, dầu Brent đã giảm hơn 1% trong khi dầu WTI giảm 3%.
Nguồn: Tổng hợp
Lệnh ngừng bắn ở Gaza
Tại Trung Đông, hy vọng về một lệnh ngừng bắn ở Gaza đang tăng lên. Những hy vọng ngày càng tăng về một lệnh ngừng bắn ở Gaza cũng đang gây áp lực lên thị trường dầu mỏ.
Lãnh đạo của Úc, New Zealand và Canada đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức trong một tuyên bố chung vào thứ Sáu, trong khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã thúc giục Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhanh chóng để có thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Bà Harris bày tỏ quan điểm cứng rắn hơn nhiều so với Tổng thống Joe Biden.
Với những diễn biến liên tục mang tính hòa giải trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Gaza, giá dầu ngày càng khó duy trì đà tăng liên tục. Nếu có một thỏa thuận ngừng bắn được thông qua, dường như giá dầu sẽ giảm mạnh.
Nhu cầu yếu kém từ Trung Quốc
George Khoury, giám đốc giáo dục và nghiên cứu toàn cầu tại CFI cho biết: “Số liệu tăng trưởng GDP tốt hơn dự kiến của Mỹ vào hôm qua đã hỗ trợ thị trường dầu thô. Tuy nhiên, những mức tăng này đã bị lu mờ bởi những lo ngại về nhu cầu dầu thô giảm của Trung Quốc.”
Dữ liệu được công bố cho thấy tổng lượng dầu nhiên liệu nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 11% trong nửa đầu năm 2024 đã làm dấy lên những lo ngại về triển vọng tại Trung Quốc.
Bob Yawger, giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho ở New York cho biết: “Nền kinh tế Trung Quốc đang có nguy cơ bước vào chu kỳ giảm phát, khi giá cả sẽ giảm do nhu cầu giảm. Và đó là kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra đối với một quốc gia là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.”
Những tín hiệu về nhu cầu từ nền kinh tế Mỹ
Theo dữ liệu từ Cục Phân tích Kinh tế, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đã giảm xuống 2,5% trong tháng Sáu. Đây là chỉ số đo lường lạm phát ưa thích của Fed. Việc chỉ số này liên tục giảm trong những tháng qua cho thấy lạm phát Mỹ đang dần dần tiến tới con số mục tiêu của Fed và làm tăng kỳ vọng của thị trường vào việc Fed sẽ giảm lãi suất vào tháng 9. Lãi suất giảm sẽ khiến giá dầu tăng.
Chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ do đại học Michigan đánh giá bản chỉnh sửa đạt 66,4, một con số tương đối thấp so với các tháng trước đó. Bên cạnh đó, thu nhập cá nhân của người dân Mỹ chỉ tăng 0,2% so với tháng trước đó dự báo nhu cầu giảm trong tương lai.
Nhu cầu từ Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, cũng được dự đoán sẽ giảm khi các nhà máy lọc dầu Mỹ chuẩn bị cắt giảm sản lượng khi mùa lái xe kết thúc vào đầu tháng Chín. Nhà máy lọc dầu lớn thứ hai của Mỹ, Valero Energy cho biết hôm thứ Năm rằng 14 nhà máy lọc dầu của họ sẽ hoạt động ở mức 92% tổng công suất trong quý 3. Các nhà máy lọc dầu của công ty này hoạt động ở mức 94% tổng công suất trong quý 2.
Nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ thấp đồng nghĩa với việc nhu cầu nhiên liệu thấp và khiến giá dầu thô giảm.
Nhận định: Tuần tới, các chỉ số về việc làm và PMI của Mỹ sẽ được công bố. Đặc biệt, thị trường sẽ tập trung vào 2 cuộc họp của Fed và OPEC+. Cuộc họp của Fed sẽ đưa ra những quyết định về lãi suất Mỹ trong khi cuộc họp của OPEC+ có thể sẽ có những thay đổi về chính sách sản lượng của tổ chức này, đây đều sẽ là những quyết định có thể ảnh hưởng trực tiếp tới giá dầu.