Bản tin sáng ngày 01/03/2025: Giá dầu giảm do căng thẳng tại Nhà Trắng

Bản tin sáng ngày 01/03/2025: Giá dầu giảm do căng thẳng tại Nhà Trắng

Giá dầu giảm vào phiên giao dịch ngày thứ Sáu và cũng là tháng giảm giá đầu tiên kể từ tháng 11 năm 2024 khi thị trường theo dõi cuộc tranh cãi giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Ukraine, đồng thời chuẩn bị cho các mức thuế mới của Washington và quyết định của Iraq về việc nối lại xuất khẩu dầu từ khu vực Kurdistan.

Hợp đồng dầu Brent tương lai, hết hạn và phiên giao dịch hôm qua, chốt ở mức 73,18 USD/thùng, giảm 0,86 USD, tương đương 1,16%. Hợp đồng dầu thô WTi của Mỹ kết thúc ở mức 69,76 USD/thùng, giảm 0,59 USD tương đương 0,84%. Cả hai loại dầu đều đang trên đà ghi nhận mức giảm hàng tháng đầu tiên trong ba tháng qua.

Giá dầu giảm

Giá dầu thô giao dịch từ đầu tháng 2

Căng thẳng giữa Mỹ và Ukraine

Giá dầu WTI đã tăng vào cuối phiên giao dịch cho đến khi một cuộc tranh cãi trước ống kính nổ ra tại Phòng Bầu dục giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy về một thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng trong cuộc chiến Nga-Ukraine.

“Điều này mang lại lợi thế cho Nga và có thể giúp họ đưa thêm dầu ra thị trường,” John Kilduff, đối tác tại Again Capital LLC, nhận định.

Trong lúc tranh cãi, Trump đe dọa rút hỗ trợ cho Ukraine, và Zelenskiy rời Nhà Trắng mà không ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển tài nguyên khoáng sản giữa hai nước. Các nhà đầu tư cũng đang gặp khó khăn trong việc đánh giá tác động của các chính sách liên quan đến năng lượng do chính quyền Trump công bố trong tháng này, theo các nhà kinh tế tại đơn vị nghiên cứu BMI của Fitch.

Chính sách thuế quan mới của Mỹ

Hôm thứ Năm, Trump tuyên bố mức thuế đề xuất 25% đối với hàng hóa Mexico và Canada sẽ có hiệu lực vào ngày 4/3, cùng với mức thuế bổ sung 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các nhà giao dịch đang giảm rủi ro trong bối cảnh biến động gia tăng do Trump leo thang cuộc chiến thuế quan, đặc biệt là với Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại đáng kể về nhu cầu toàn cầu, theo Ole Hansen, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank.

Một cuộc chiến thuế quan có thể làm chậm tăng trưởng toàn cầu, gây ra lạm phát và từ đó kìm hãm nhu cầu dầu thô.

Iraq nối lại xuất khẩu dầu từ Kurdistan

Baghdad dự kiến sẽ công bố việc nối lại xuất khẩu dầu từ khu vực Kurdistan bán tự trị qua đường ống Iraq-Thổ Nhĩ Kỳ, theo tuyên bố từ Bộ Dầu mỏ Iraq. Iraq sẽ xuất khẩu 185.000 thùng/ngày thông qua công ty tiếp thị dầu nhà nước SOMO, và con số này sẽ dần tăng lên, bộ này cho biết.

Bất chấp thông báo dự kiến, tám công ty dầu khí quốc tế hoạt động tại khu vực Kurdistan cho biết họ sẽ không nối lại xuất khẩu vào thứ Sáu do chưa rõ ràng về các thỏa thuận thương mại cũng như bảo đảm thanh toán cho các lô hàng quá khứ và tương lai.

“Việc nối lại xuất khẩu đặt ra câu hỏi về cách Iraq sẽ tuân thủ nghĩa vụ của mình trong OPEC+, khi nước này đã thường xuyên sản xuất vượt hạn ngạch. Nếu OPEC+ trì hoãn việc đưa 120.000 thùng/ngày từ cắt giảm tự nguyện trở lại vào tháng 4, thì sự gia tăng sản lượng của Iraq có thể sẽ làm mất tác dụng của việc hạn chế nguồn cung từ OPEC+,” Harry Tchilinguirian, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Onyx Capital Group, nhận xét.

OPEC+ đang tranh luận về việc có nên tăng sản lượng dầu vào tháng 4 như kế hoạch hay đóng băng sản lượng khi các thành viên gặp khó khăn trong việc đánh giá bức tranh nguồn cung toàn cầu, theo tám nguồn tin từ OPEC+. Một sự trì hoãn của OPEC+ có thể làm giá dầu tăng.

Dự báo thị trường dầu thô

Giá dầu đang chịu nhiều áp lực từ yếu tố chính trị và kinh tế toàn cầu. Những thông tin liên quan tới xung đột giữa Nga-Ukraine, tình hình xuất khẩu của Iraq và quyết định của OPEC+ sẽ có ảnh hưởng lớn tới giá dầu trong thời gian tới.

Khi giá dầu WTI tăng lên trên khoảng 71,5 USD/thùng, chiết khấu các mặt hàng sẽ giảm.

 

Tin quốc tế

Phân tích thị trường

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x