Bản tin sáng ngày 03/08: Dầu thô chạm mức thấp nhất sau 8 tháng
Giá dầu thô chốt phiên giao dịch hôm thứ Sáu ở mức thấp nhất trong 8 tháng gần đây sau khi số liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo ra ít việc làm hơn dự kiến vào tháng trước và dữ liệu kinh tế kém của Trung Quốc càng gây thêm áp lực lên giá dầu
Kết thúc phiên giao dịch ngày 02/08/2024, giá dầu Brent và WTI đều giảm. Cụ thể, giá dầu Brent tương lai giảm từ mức 79,52 USD/thùng xuống mức còn 76,81 USD/thùng, tương đương giảm 3,41%. Trong khi đó, dầu thô WTI của Mỹ giảm 2,79 USD, tương đương 3,66%, đạt mức 73,52 USD/thùng.
Tại mức thấp nhất trong phiên, cả hai chuẩn đều giảm hơn 3 đô la một thùng.
Nguồn: Tổng hợp
Dữ liệu việc làm yếu kém tại Mỹ khiến giá dầu lao dốc
Ngày 2/8, Bộ Lao động Mỹ công bố số việc làm tháng 7 tăng ít hơn nhiều so với dự báo, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng vọt.
Cụ thể, số việc làm phi nông nghiệp chỉ tăng 114.000 trong tháng 7, giảm so với con số đã được điều chỉnh 179.000 của tháng 6. Mức tăng này cũng thấp hơn ước tính của Dow Jones là 185.000 việc làm mới. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3%, mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2021.
Nước Mỹ vẫn đang tạo thêm việc làm mới. Nhưng sức mạnh của thị trường lao động dường như đang suy yếu. Báo cáo việc làm tháng 7 là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy thị trường lao động Mỹ có thể đang trên đà suy giảm.
Tim Snyder, một nhà kinh tế tại Matador cho biết: “Chúng ta đã chuyển từ thị trường do nhu cầu thúc đẩy sang thị trường địa chính trị có lẽ chỉ trong hai ngày, sau đó chúng ta hoàn toàn lao dốc vì tất cả dữ liệu kinh tế này”.
Các số liệu kinh tế Mỹ được công bố vào 2 ngày gần đây đang làm dấy lên lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế của nền kinh tế Mỹ. Suy thoái kinh tế sẽ dẫn tới nhu cầu nhiên liệu giảm tại quốc gia tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới và giá dầu giảm.
Dữ liệu cho thấy nhu cầu toàn cầu đang ở mức thấp
Dữ liệu từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu và các cuộc khảo sát cho thấy hoạt động sản xuất yếu hơn trên khắp Châu Á, Châu Âu và Mỹ đã làm tăng nguy cơ phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ chậm chạp gây áp lực lên mức tiêu thụ dầu.
Hoạt động sản xuất giảm ở Trung Quốc cũng kìm hãm giá, làm tăng lo ngại về tăng trưởng nhu cầu sau khi dữ liệu tháng 6 cho thấy hoạt động nhập khẩu và lọc dầu thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Dữ liệu từ LSEG Oil Research cho thấy lượng dầu thô nhập khẩu của Châu Á trong tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm gần đây do bị ảnh hưởng bởi nhu cầu yếu ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát của tờ báo Reuters cho thấy sản lượng dầu của OPEC đã tăng vào tháng 7 khi nguồn cung của Saudi Arabia phục hồi và mức tăng nhỏ ở những nơi khác bù đắp cho tác động của việc cắt giảm nguồn cung tự nguyện đang diễn ra của các thành viên khác và liên minh OPEC+. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã sản xuất 26,7 triệu thùng mỗi ngày vào tháng trước, tăng 100.000 thùng/ngày so với tháng 6.
Cuộc họp của OPEC+ vào thứ Năm đã giữ nguyên chính sách sản lượng dầu của nhóm, bao gồm cả kế hoạch bắt đầu gỡ bỏ dần số sản lượng đang bị cắt giảm từ tháng 10.
Căng thẳng tại Trung Đông vẫn gia tăng nhưng chưa có sự ảnh hưởng tới nguồn cung
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi sát sao tình hình tại Trung Đông, nơi tổ chức Hezbollah do Iran hậu thuẫn cho biết xung đột của họ với Israel đã bước vào một giai đoạn mới. Tuy nhiên, các nhà phẩn tích lưu ý rằng chưa hề có sự gián đoạn đáng kể nào đối với nguồn cung dầu từ khu vực này khi giá giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tuần sau vụ sát hại các nhà lãnh đạo cấp cao của các nhóm chiến binh liên kết với Iran là Hamas và Hezbollah làm dấu lên lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn diện.
Tuy nhiên, căng thẳng Trung Đông có thể sẽ vẫn là trọng tâm trong bối cảnh lo ngại về một cuộc chiến rộng hơn có thể xảy ra ở khu vực Trung Đông sau khi Iran tuyên bố sẽ trả đũa Israel vì bị cáo buộc ám sát lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh ở Iran.
Nhận định: Dữ liệu về sản xuất và thị trường việc làm tiêu cực của Mỹ được công bố 2 ngày gần đây đều làm gia tăng những lo ngại về sự suy thoái kinh tế tại quốc gia có lượng tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới này, từ đó dẫn tới sự lo ngại về nhu cầu dầu thô toàn cầu. Bên cạnh đó những sự kiện địa chính trị xảy ra gần đây mặc dù căng thẳng tuy nhiên chưa có ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung dầu toàn cầu. Do đó, nếu không có sự kiện địa chính trị bất ngờ nào xảy ra thì giá dầu sẽ đi ngang hoặc giảm trong thời gian tới.