Bản tin sáng ngày 14/12/2024: Giá dầu tăng 2% khi nguồn cung từ Nga và Iran có thể bị thắt chặt do các lệnh trừng phạt từ Mỹ
Giá dầu tăng khoảng 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, đạt mức cao nhất trong 3 tuần, do kỳ vọng rằng các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga và Iran có thể làm thắt chặt nguồn cung và lãi suất giảm ở châu Âu và Mỹ có thể thúc đẩy nhu cầu dầu thô.
Giá dầu Brent tăng từ 73,41 USD/thùng lên mức 74,49 USD/thùng, tương đương tăng 1,5%. Trong khi đó, hợp đồng dầu thô tương lai WTI tăng 1,27 USD, tương đương 1,8%, đạt mức 71,29 USD/thùng.
Đây là mức đóng cửa cao nhất của dầu Brent kể từ ngày 22/11, giúp hợp đồng tăng 5% trong tuần. WTI tăng 6% trong tuần và đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 7/11.
Giá dầu Brent và WTI giao dịch từ đầu tháng 11
Giá dầu tăng do kỳ vọng nguồn cung thắt chặt trong tương lai
Các đại sứ Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý áp đặt gói trừng phạt thứ 15 đối với Nga trong tuần này liên quan đến cuộc chiến của nước này với Ukraine, nhắm vào đội tàu vận tải dầu mờ ám của Nga. Mỹ đang xem xét các động thái tương tự. Anh, Pháp và Đức đã thông báo với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng họ sẵn sàng kích hoạt cơ chế “snap back” áp dụng lại tất cả các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran nếu cần thiết nhằm ngăn nước này sở hữu vũ khí hạt nhân.
Triển vọng nền kinh tế tích cực từ Trung Quốc
Dữ liệu mới cho thấy Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã tăng nhập khẩu dầu thô hàng năm lần đầu tiên sau 7 tháng. Nhập khẩu dự kiến duy trì ở mức cao đến đầu năm 2025 nhờ giá thấp hơn từ Ả Rập Saudi và việc các nhà máy lọc dầu độc lập sử dụng hết hạn ngạch nhập khẩu.
Bên cạnh đó, dữ liệu cho thấy các khoản vay ngân hàng mới ở Trung Quốc trong tháng 11 tăng thấp hơn nhiều so với dự đoán, phản ánh nhu cầu tín dụng yếu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi các nhà hoạch định chính sách cam kết đưa ra thêm các biện pháp kích thích.
Mỹ và Châu Âu giảm lãi suất có thể giúp thúc đẩy nhu cầu
Các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tuần tới, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu. Tương tự, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng ủng hộ cắt giảm lãi suất nếu lạm phát duy trì ở mức mục tiêu 2%.
Chi phí cho vay giảm sẽ mang lại sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế và nhu cầu năng lượng.
Những tin tức bên lề
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo năm 2025 sẽ có thặng dư dầu, khi các quốc gia ngoài OPEC+ như Argentina, Brazil, Canada, Guyana và Mỹ dự kiến tăng sản lượng thêm 1,5 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, UAE – một thành viên OPEC – lên kế hoạch giảm xuất khẩu dầu vào đầu năm 2025 nhằm duy trì kỷ luật sản xuất trong khối OPEC+.
Giá dầu thô Iran bán sang Trung Quốc đạt mức cao nhất trong nhiều năm, do lệnh trừng phạt của Mỹ làm giảm năng lực vận chuyển và tăng chi phí logistics.
Xu hướng thị trường: Giá dầu sẽ được hỗ trợ nếu FED thực hiện cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm như dự kiến vào cuối cuộc họp ngày 17-18 tháng 12. Chiết khấu các mặt hàng sẽ giảm dần. Giá bán lẻ kỳ ngày 19/12 có thể tăng mạnh từ 600-700đ.