Bản tin sáng ngày 19/7: Giá dầu thô ổn định sau những thông tin trái chiều
Giá dầu gần như không đổi sau phiên giao dịch hôm thứ Năm khi các nhà đầu tư vật lộn với những tín hiệu trái chiều về nhu cầu dầu thô, với những lo ngại về sự suy thoái kinh tế ở Mỹ cùng với kỳ vọng ngày càng tăng rằng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/07/2024, giá dầu Brent và WTI đều thay đổi không đáng kể. Cụ thể, giá dầu Brent tương lai tăng từ mức 85,08 USD/thùng lên mức 85,11 USD/thùng. Trong khi đó, dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,03 USD lên mức 82,82 USD/thùng.
Nguồn: Tổng hợp
Hy vọng Fed cắt giảm lãi suất ngày một tăng
Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã tăng nhiều hơn dự kiến vào tuần trước, trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng 20.000 lên mức 243.000. Dữ liệu này sẽ củng cố cho việc Fed sẽ đẩy nhanh kế hoạch cắt giảm lãi suất, điều này có thể thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ. Tuy nhiên, nền kinh tế phát triển chậm lại có thể làm giảm nhu cầu dầu thô.
Tamas Varga của hãng môi giới dầu mỏ PVM cho biết: “Tôi tin rằng những kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Fed trong tương lai không xa sẽ hạn chế xu hướng giảm giá.”
Các quan chức của Fed hôm thứ Tư cho biết rằng ngân hàng trung ương Mỹ đang tiến gần hơn tới việc cắt giảm lãi suất do dữ liệu lạm phát gần đây khả quan hơn và thị trường lao động cũng cân bằng hơn, tạo tiền đề cho việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Hoạt động kinh tế của Mỹ mở rộng với tốc độ từ nhẹ đến vừa phải từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7, với việc các công ty dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ chậm hơn trong thời gian tới.
Tình hình kinh tế của 2 khu vực tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất, chậm chạp cũng gây áp lực lên giá dầu. Nước này hôm thứ Năm cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực hiện chính sách kinh tế để giúp nền kinh tế Trung Quốc phục hồi, tuy nhiên rất ít chi tiết cụ thể được tiết lộ.
Tại Châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu quyết định giữ nguyên lãi suất như dự kiến và không đưa ra gợi ý nào cho động thái tiếp theo. Bên cạnh đó, họ cho rằng áp lực giá trong khu vực vẫn ở mức cao và lạm phát có thể sẽ cao hơn mục tiêu trong năm tới. Việc giữ nguyên lãi suất ở mức cao ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu dâu thô tại khu vực lớn này và sẽ là yếu tố hạn chế giá dầu.
Cuộc họp tiếp theo của OPEC+
Một cuộc họp nhỏ cấp bộ trưởng của OPEC+ dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 8, bao gồm kế hoạch bắt đầu gỡ bỏ một đợt cắt giảm sản lượng dầu thô từ tháng 10. Các nguồn tin cho biết cuộc họp sẽ đóng vai trò như một “cuộc kiểm tra nhịp đập” về sức khỏe của thị trường Nếu OPEC+ thực sự gia tăng sản lượng vào tháng 10 thì nguồn cung dồi dào sẽ khiến giá dầu thô giảm ngay sau khi cuộc họp của OPEC+ kết thúc.
Nhận định: Nếu như không có ảnh hưởng bất ngờ từ các thông tin từ địa chính trị nào thì giá dầu sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ trong những ngày tới cho đến thứ 3 tuần sau khi dữ liệu dự trữ dầu thô cùng các chỉ số kinh tế về lạm phát của Mỹ được công bố.