Bản tin sáng ngày 22/11/2024: Giá dầu tăng hơn 2% do căng thẳng Nga-Ukraine tăng cao

Bản tin sáng ngày 22/11/2024: Giá dầu tăng hơn 2% do căng thẳng Nga-Ukraine tăng cao

Giá dầu thô tăng gần 2% vào phiên giao dịch hôm thứ Năm khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng nhanh chóng do hai quốc gia này liên tục tấn công nhau bằng tên lửa, làm dấy lên lo ngại trên thị trường về nguồn cung dầu thô nếu xung đột lan rộng hơn.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/11/2024, cả hai hợp đồng dầu Brent và WTI đều tăng mạnh. Giá dầu Brent tăng từ mức 72,81 USD/thùng lên mức 74,23 USD/thùng, tương đương tăng 1,95%. Hợp đồng dầu thô tương lai WTI tăng 1,35 USD, tương đương 2% lên mức 70,10 USD/thùng.

Giá dầu thô Brent và WTI giao dịch từ đầu tháng 11

Xung đột Nga-Ukraine tiếp tục trở nên căng thẳng, tạo đà tăng cho giá dầu

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hôm thứ Năm rằng Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung vào một cơ sở quân sự của Ukraine và cảnh báo phương Tây rằng Moscow có thể tấn công các cơ sở quân sự của bất kỳ quốc gia nào cung cấp vũ khí chống lại Nga. Putin cho rằng phương Tây đang leo thang xung đột ở Ukraine bằng cách cho phép Kyiv tấn công Nga bằng tên lửa tầm xa, và rằng cuộc chiến đang trở thành một cuộc xung đột toàn cầu.

Trong tuần này, Ukraine đã bắn tên lửa của Mỹ và Anh vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, bất chấp cảnh báo từ Moscow rằng hành động này sẽ được coi là một sự leo thang nghiêm trọng.

Nga là nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới nên bất cứ sự gián đoạn lớn nào tới nguồn cung nước này cũng sẽ khiến dầu thô tăng giá.

Trung Quốc và chính sách thúc đẩy thương mại

Trung Quốc công bố các chính sách mới nhằm thúc đẩy thương mại, bao gồm hỗ trợ nhập khẩu năng lượng, trong bối cảnh lo ngại về áp lực thuế quan từ Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Các chính sách này có thể sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu thô tại Trung Quốc và giúp giá dầu tăng.

Kế hoạch sản lượng của OPEC+ sắp tới

Theo các nguồn tin từ OPEC+, tổ chức này có thể trì hoãn việc tăng sản lượng dự kiến vào tháng 12 do nhu cầu yếu. OPEC+ hiện chiếm khoảng 50% sản lượng dầu toàn cầu và trước đó dự định tăng sản lượng dần từ cuối năm 2024 đến 2025.

Lãi suất Mỹ tác động đến nhu cầu dầu thô

Chủ tịch Fed Chicago, Austan Goolsbee, tiếp tục ủng hộ việc cắt giảm lãi suất nhưng với tốc độ chậm hơn. Lãi suất cao kéo dài có thể làm giảm hoạt động kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.

Xu hướng thị trường: Trong ngắn hạn, giá dầu thô có khả năng tăng nhẹ, đặc biệt nếu xung đột Nga – Ukraine tiếp tục leo thang và Trung Quốc tăng cường nhập khẩu năng lượng. Tuy nhiên, về trung hạn, nếu tồn kho tiếp tục tăng và lãi suất vẫn cao, giá dầu có thể chịu áp lực giảm. Sự biến động của thị trường trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào các diễn biến mới từ địa chính trị, quyết định từ OPEC+ trong cuộc họp tháng 12 và các quyết định về lãi suất của Fed.

Chiết khấu các mặt hàng sẽ giảm dần.

Tin quốc tế

Phân tích thị trường