Bản tin sáng ngày 22/6: Giá dầu thô bất ngờ giảm
Giá dầu thô giảm khoảng 1% vào thứ Sáu do lo ngại rằng tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu có thể bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá của đồng USD và tin tức kinh tế tiêu cực từ một số nơi trên thế giới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/06/2024, giá dầu Brent và WTI đều giảm. Cụ thể, giá dầu Brent giảm từ 85,71 USD/thùng xuống mức 85,24 USD/thùng, tương đương giảm 0,6%. Trong khi đó, dầu WTI của Mỹ kết thúc phiên giao dịch giảm 0,56 USD, tương đương giảm 0,7%, đạt mức 80.69 USD/thùng.
Nguồn: Tổng hợp
Đồng USD tăng giá nhưng dầu thô vẫn tăng khi kết thúc tuần
Đồng USD tăng mạnh vào thứ Sáu khi dữ liệu từ PMI cho thấy hoạt động dịch vụ và sản xuất bất ngờ tăng trong tháng 6. Cụ thể, chỉ số PMI sản xuất của Mỹ đạt 51,7; trong khi chỉ số PMI dịch vụ đạt 55,1. Cả 2 chỉ số này đều tăng so với tháng trước đó và cao hơn so với dự báo.
Đồng USD mạnh hơn có thể làm giảm nhu cầu về dầu thô vì dầu thô được định giá bằng đồng USD, khi đồng USD tăng giá sẽ làm cho nhu cầu của những nhà đầu tư nắm giữ những loại ngoại tệ khác giảm xuống.
Những lo ngại về hoạt động kinh tế trong nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đè nặng lên thị trường dầu thô khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) duy trì lãi suất ở mức cao.
Các phân tích tại ING nhận xét rằng: “Trung bình trong 4 tuần, nhu cầu xăng dầu cũng tiếp tục xu hướng tăng khi chúng ta tiến sâu vào mùa lái xe mùa hè ở Mỹ, điều này sẽ giảm bớt một số lo ngại về nhu cầu xăng dầu. Tuy nhiên, nhu cầu vẫn đang theo dõi dưới mức của năm ngoái.”
Tín hiệu nhu cầu trái chiều từ nhiều khu vực trên thế giới
Chỉ số PMI dịch vụ và sản xuất của Châu Âu giảm so với tháng trước và thấp hơn so với dự báo. Cụ thể, chỉ số PMI sản xuất châu Âu đạt 45,6 trong khi chỉ số PMI dịch vụ đạt 52,6. Điều này cho thấy nhu cầu nhiên liệu tại Châu Âu hiện đang chưa có dấu hiệu gia tăng.
Trái ngược với tình hình tại châu Âu, nhu cầu tại châu Á lại đang có dấu hiệu khả quan. Tại Ấn Độ, dữ liệu cho thấy các nhà máy lọc dầu đã xử lý lượng dầu thô nhiều hơn gần 1,3% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái và tỷ trọng nguồn cung của Nga trong nhập khẩu sang Ấn Độ tăng lên.
Các nhà phân tích tại ANZ Research cho biết: “Các dấu hiệu về nhu cầu mạnh mẽ hơn ở châu Á cũng thúc đẩy tâm lý của các nhà đầu tư và hỗ trợ giá dầu. Các nhà máy lọc dầu trên toàn khu vực đang dần khôi phục lại công suất sau thời gian bảo trì.”
Bên cạnh đó, Trung Quốc cảnh báo rằng xích mích leo thang với Liên minh châu Âu về nhập khẩu xe điện có thể dẫn tới cuộc chiến tranh thương mại. Chiến tranh thương mại nổ ra sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế do thuế quan và các biện pháp bảo hộ khác làm giảm thương mại và đầu tư, từ đó làm giảm nhu cầu về dầu thô.
Số lượng giàn khoan Mỹ giảm
Theo báo cáo của công ty năng lượng Baker Hughes vào hôm thứ sáu, số lượng giàn khoan tại Mỹ giảm 3 còn 485 giàn khoan. Việc số giàn khoan giảm sẽ làm nguồn cung dầu thô giảm trong tương lai.
Số lượng giàn khoan vẫn tiếp tục giảm trong bối cảnh Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) đã nâng dự báo sản lượng dầu thoo của Hoa Kỳ trong năm 2024.
EIA hiện dự báo sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ trung bình là 13,24 triệu thùng mỗi ngày trong năm nay, tăng từ dự báo trước là 13,20 triệu thùng mỗi ngày.
Căng thẳng địa chính trị tiếp tục hỗ trợ giá dầu
Quân đội Ukraine cho biết máy bay không người lái của họ đã tấn công 4 nhà máy lọc dầu, trạm radar và các cơ sở quân sự khác ở Nga.
Người đứng đầu Hezbollah của Lebanon trong tuần này đã cam kết sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện với Isreal và cũng lần đầu tiên đe dọa Síp, một thành viên thuộc EU.