Đội tàu bí mật Nga xuất khẩu dầu mỏ bất chấp lệnh trừng phạt
Nga đã xây dựng một đội tàu lớn để tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế. Đội tàu này được cho là sử dụng cờ thuận tiện và ẩn danh chủ sở hữu, khiến các biện pháp ngăn chặn từ phương Tây gặp nhiều khó khăn. Vụ việc tàu Eagle S ngày 25/12 làm hư hại hệ thống cáp ngầm tại Phần Lan và Estonia đã làm dấy lên nghi ngờ rằng đây là một phần trong “hạm đội tàu bí mật” của Nga. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cụ thể được công bố.
Đội tàu bí mật Nga xuất khẩu dầu mỏ bất chấp lệnh trừng phạt. (Ảnh minh họa)
Hạm đội tàu bí mật và chiến lược vận chuyển
Theo phân tích, “hạm đội tàu bí mật” thường bao gồm các tàu cũ, không được bảo hiểm đầy đủ, đăng ký dưới cờ của các quốc gia có quy định dễ dãi. Nga được cho là đã đầu tư mạnh mẽ để mở rộng đội tàu này nhằm vận chuyển dầu mỏ một cách bí mật, bất chấp lệnh cấm vận từ châu Âu và các quốc gia G7.
Số liệu từ Liên minh Châu Âu và nghiên cứu của S&P Global cho thấy, đội tàu này hiện chiếm khoảng 10% tổng số tàu chở dầu toàn cầu, với gần 600 tàu đang hoạt động.
Các tàu này không chỉ giúp Nga xuất khẩu dầu mà còn gây ra các nguy cơ môi trường lớn. Nhiều tàu trong đội hình này đã gặp sự cố, bao gồm cả các vụ tràn dầu nghiêm trọng. Theo báo cáo, gần 75% dầu mỏ Nga được vận chuyển từ các cảng ở biển Baltic và Biển Đen, trong đó phần lớn sử dụng đội tàu bí mật.
Để che giấu nguồn gốc dầu mỏ, các tàu này thường thực hiện chuyển hàng từ tàu này sang tàu khác trên biển quốc tế và tắt hệ thống nhận dạng tự động (AIS). Dù vậy, các tàu này vẫn được nhận dạng qua số đăng ký IMO, mặc dù giấy tờ liên quan có thể bị làm giả.
Biện phấp kiểm soát và hạn chế
Trước mối đe dọa từ hạm đội tàu này, NATO và EU đã triển khai một số biện pháp kiểm soát. Trong năm 2024, EU đã đưa thêm 52 tàu vào danh sách đen, nâng tổng số tàu bị trừng phạt lên gần 80. Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) cũng thông qua nghị quyết yêu cầu các tàu báo cáo hoạt động chuyển hàng và tăng cường kiểm tra tại cảng.
Tuy nhiên, luật biển quốc tế hiện tại cho phép các tàu này tận dụng vùng biển quốc tế và quyền “qua lại vô hại” để tiếp tục hoạt động mà không bị xử lý. Điều này khiến việc kiểm soát và ngăn chặn trở nên vô cùng khó khăn.
Tàu Eagle S, bị nghi ngờ thuộc hạm đội tàu bí mật, đã bị cơ quan chức năng Phần Lan phát hiện 32 sai phạm, trong đó có ba lỗi nghiêm trọng về hệ thống phòng cháy chữa cháy và thiết bị định vị. Hiện con tàu đã bị tạm giữ để điều tra thêm.