Kuwait có tham vọng tăng gấp đôi sản lượng dầu trong thập kỷ tới
Một tuần trước, Công ty Dầu mỏ Kuwait (KOC) công bố phát hiện đáng kể dầu nhẹ và khí liên quan tại mỏ Al-Nokhatha ngoài khơi, tạo tiền đề cho mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng dầu trong thập kỷ tới.
Ảnh minh họa
KOC cho biết mỏ này nằm ở phía đông đảo Failaka của Kuwait, có diện tích ước tính là 96 km2 với ước tính sơ bộ về trữ lượng khoảng 2,1 tỷ thùng dầu nhẹ và 5,1 tỷ ft3 khí đốt, tương đương khoảng 3,2 tỷ thùng dầu quy đổi (boe). Giếng Al-Nokhatha hiện chỉ có sản lượng 2.800 thùng dầu nhẹ và 7 triệu feet khối khí đồng hành mỗi ngày.
Thời điểm hiện tại, Kuwait đã bộc lộ tham vọng tăng gần gấp đôi sản lượng dầu của mình trong thập kỷ tới.
Phát biểu tại hội nghị CERAWeek by S&P Global, Sheikh Nawaf al-Sabah, Giám đốc điều hành của Kuwait Petroleum Corp., tiết lộ rằng nước này có kế hoạch tăng sản lượng dầu thô từ ngưỡng 2,4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày hiện nay lên hơn 4 triệu thùng/ngày vào năm 2035 bằng cách hợp tác với các công ty dầu mỏ quốc tế.
Kuwait dự kiến việc bổ sung công suất sẽ đến từ Khu trung lập mà nước này chia sẻ với Ả Rập Xê-út, cũng như các mỏ trong nước.
Trong một diễn biến quan trọng khác, liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Kuwait (KPC) và Saudi Aramco hiện đã sẵn sàng triển khai một gói thầu kỹ thuật, mua sắm, xây dựng và lắp đặt (EPCI) quy mô lớn để thực hiện công việc tại mỏ khí đốt ngoài khơi Durra đang tranh chấp.
Mỏ này dự kiến sẽ khai thác 1 tỷ feet khối khí đốt mỗi ngày và 84.000 thùng condensate.
Dầu vẫn thống trị tại Kuwait
Tuy nhiên, kế hoạch tăng cường khai thác dầu và khí đốt của Kuwait là một canh bạc đầy rủi ro. Vài ngày trước, một cuộc thăm dò ý kiến các nhà kinh tế của Reuters dự đoán rằng các nền kinh tế của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn đáng kể trong năm nay do việc cắt giảm sản lượng dầu đang diễn ra. Một cuộc thăm dò gồm 24 nhà kinh tế đã dự đoán rằng nền kinh tế Ả Rập Xê-út sẽ tăng trưởng ở mức 1,3% yếu ớt trong năm nay, giảm so với mức dự báo 1,9% trong một cuộc khảo sát hồi tháng 4 và 3,0% được dự đoán vào tháng 1.
Nhìn chung, các nền kinh tế GCC dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình 1,9% vào năm 2024. Tuy nhiên, Kuwait được dự đoán sẽ có kết quả kém khả quan, với cuộc thăm dò tương tự cho biết quốc gia này sẽ ghi nhận mức lạm phát cao nhất trong khu vực, trong khi nền kinh tế vẫn tiếp tục suy thoái. Đó là sự tương phản rõ rệt so với chỉ hai năm trước khi giá dầu cao thúc đẩy doanh thu từ dầu mỏ của Kuwait tăng trưởng 85%, kéo theo mức tăng trưởng GDP 8,5% và thâm hụt tài chính giảm 70% – mức giảm đầu tiên kể từ khi Covid-19 tấn công. Cùng năm đó, NBK-Kuwait, ngân hàng lớn nhất đất nước, chứng kiến lợi nhuận ròng tăng 40,5% so với cùng kỳ, đạt 1,7 tỷ USD.
Kuwait là một nền kinh tế giàu có dựa vào dầu mỏ và là quốc gia giàu thứ năm trên thế giới tính theo tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người. Đây là nhà khai thác lớn thứ 5 của OPEC và là nơi có trữ lượng dầu đã được chứng minh là 101 tỷ thùng, lớn thứ 7 trên thế giới.
Quả thực, trữ lượng dầu của Kuwait lớn hơn đáng kể so với trữ lượng dầu của Mỹ ở ngưỡng 70 tỷ thùng. Thật không may, nền kinh tế của đất nước này quá phụ thuộc vào dầu mỏ.
Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Kuwait, dầu chiếm 91% cả xuất khẩu và doanh thu, khiến quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé này trở nên cực kỳ giàu có nhưng cũng rất dễ bị tổn thương trước biến động giá dầu. Ngược lại, năm ngoái, doanh thu phi dầu mỏ của Ả Rập Xê-út lần đầu tiên trong lịch sử đạt 50% GDP nhờ Kế hoạch Đa dạng hóa Kinh tế năm 2030 của nước này.
Vào thời điểm các quốc gia GCC khác, dẫn đầu là Ả Rập Xê-út, đang tích cực cải cách nền kinh tế để ít phụ thuộc hơn vào nhiên liệu hóa thạch, Kuwait lại đang tìm cách tăng gấp đôi sản lượng dầu khí.
Giống như Ả Rập Xê-út, Kuwait ban hành chiến lược Tầm nhìn 2035 trong nỗ lực biến đất nước thành một trung tâm thương mại và hậu cần. Kuwait có những ước mơ lớn, bao gồm xây dựng ba khu kinh tế mới cũng như Thành phố Tơ lụa, một tập đoàn đô thị tương lai trị giá 130 tỷ USD sẽ thúc đẩy GDP phi dầu mỏ tăng từ 13% đến 16% và tạo ra hơn 200.000 việc làm.
Kế hoạch ban đầu đã có hiệu quả: Trong năm tài chính 2021-2022, Kuwait đã thu hút 350 triệu USD vốn FDI, bao gồm cả thỏa thuận cơ sở hạ tầng trị giá 102 triệu USD giữa Công ty Dầu mỏ Kuwait và liên doanh SinoThawra Building của Trung Quốc và Ai Cập.
“Giá dầu sẽ tiếp tục biến động, ảnh hưởng tới GDP của Kuwait”, Jehad al Humaidhi, Giám đốc điều hành của Ahli United Bank thuộc Kuwait cho biết. Những cải cách nhanh chóng trong các lĩnh vực như đa dạng hóa kinh tế, quản lý tài chính, thị trường lao động và nhà ở là điều bắt buộc trong giai đoạn này.