Thương nhân đầu mối kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Thương nhân đầu mối kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay đang có nhiều bất cập. Do đó, các thương nhân đầu mối đề xuất Nhà nước cần mạnh dạn bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Trịnh Quang Khanh cho hay, Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2014.

Trong thời gian 10 năm thực hiện Nghị định 83/2014/NĐ-CP, thị trường xăng dầu cơ bản vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, giá xăng dầu tại thị trường trong nước vận hành theo xu hướng giá xăng dầu thế giới; hệ thống phân phối xăng dầu được mở rộng với nhiều đối tượng tham gia, bước đầu tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường… Tuy nhiên, nhiều quy định về kinh doanh cần được xem xét, sửa đổi, bổ sung, thay thế để đáp ứng thực tiễn hiện nay cũng như xu thế phát triển trong thời gian tới.

Theo quy định hiện hành, việc trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá đang được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 103/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trong đó quy định, không chi quỹ trong trường hợp các yếu tố cấu thành giá cơ sở ở kỳ công bố tăng dưới 7% so với giá cơ sở ở kỳ trước liền kề, trừ trường hợp mức tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống người dân.

Tại hội nghị lấy ý kiến xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu diễn ra mới đây, góp ý về vấn đề Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Trần Ngọc Năm đề nghị xem xét bỏ quỹ này. Lý do là nếu thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần như hiện nay thì mức độ biến động giá giữa các lần điều chỉnh giá cơ bản không còn lớn. Diễn biến giá xăng dầu trong nước đã bám sát giá thế giới. Do đó, những tác động của việc điều chỉnh giá bán xăng dầu lên tình hình kinh tế – xã hội không lớn qua mỗi lần điều chỉnh giá bán.

Hơn nữa, việc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng nhằm để khắc phục tình trạng thương nhân đầu mối lợi dụng sử dụng quỹ như Xuyên Việt Oil, Hải Hà, Thiên Minh Đức… Góp phần minh bạch thông tin, tránh tình trạng người dân hiểu nhầm quỹ bình ổn giá là quỹ của doanh nghiệp (DN).

“Trong trường hợp vẫn duy trì quỹ bình ổn thì Nhà nước cần trực tiếp quản lý nguồn quỹ bình ổn, thay vì trao quyền cho các DN đầu mối như hiện nay. Đồng thời, cần có quy định cụ thể để trích lập và chi sử dụng quỹ, đảm bảo kịp thời, thuận tiện trong trường hợp chi sử dụng quỹ bình ổn nhưng không làm ảnh hưởng đến vốn của DN” – ông Trần Ngọc Năm góp ý thêm.

Cùng góp ý về nội dung này, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) Cao Hoài Dương cũng đề xuất bỏ Quỹ bình ổn.

Theo ông Cao Hoài Dương, hiện nay giá thị trường xăng dầu lên xuống khó lường nhưng mỗi kỳ điều hành giá, DN cứ phải hồi hộp đoán xem kỳ này quỹ sử dụng thế nào, trích ra sao… Bên cạnh đó, quỹ bình ổn là nguồn lực của người dân đóng góp vào thì bản chất không phải bình ổn.

“Nhà nước xây dựng quỹ với thiện chí hỗ trợ cho người dân nhưng hiện nay thiện chí đó người dân không cảm nhận được, người dân phản đối kịch liệt thì duy trì quỹ để làm gì. Do vậy, tôi kiến nghị nếu được thì bỏ quỹ bình ổn” – ông Cao Hoài Dương chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, với cách làm như hiện nay rất dễ tạo ra vùng xám trong quá trình trích lập quỹ, xả quỹ cũng như quá trình xin bù quỹ cũng dễ tạo ra tham nhũng gian lận trong quá trình quản lý quỹ này.

Do đó, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong kiến nghị, cần thiết phải bỏ ngay quỹ này và hình thành thể chế quản lý giá theo hướng mới như lập quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia:

“Nếu muốn lập quỹ bình ổn định thì hãy lập quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia, an ninh xăng dầu quốc gia. Dựa trên ngân sách Nhà nước, dựa trên các nguồn khác và trích lập tập trung do Nhà nước hoặc một Tổng Công ty riêng nào đó quản lý để nó đảm bảo tách bạch sự tách biệt giữa cơ chế quản lý thương mại và cơ chế quản lý chính sách mà hiện nay các đầu mối thương mại xăng dầu đang phải đảm nhiệm cùng lúc. Đặc biệt, tránh được những vùng tối, những cái thiếu sót, những cơ hội cho tham nhũng” – tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nói.

Nguồn: Copy

Tin quốc tế

Phân tích thị trường